Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Phát triển cá rô phi: Cần cung cấp đủ giống chất lượng tốt

Phát triển cá rô phi: Cần cung cấp đủ giống chất lượng tốt

Home Tin Tức Phát triển cá rô phi: Cần cung cấp đủ giống chất lượng tốt
Phát triển cá rô phi: Cần cung cấp đủ giống chất lượng tốt
27/07/2017
28 Lượt xem

Chia sẻ với:

Phát triển cá rô phi: Cần cung cấp đủ giống chất lượng tốt

Trong tương lai, cá rô phi sẽ là sản phẩm thay thế các loài cá thịt trắng đang ngày càng giảm. Việt Nam giàu tiềm năng phát triển sản xuất đối tượng này, nhưng để thành công, cần phải giải quyết “bài toán” cung cấp đủ giống có chất lượng tốt. Đây là vấn đề cấp bách đòi hỏi sự chung tay của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp...

Tiềm năng và cơ hội

Cá rô phi là tên gọi chung của khoảng 80 loài cá thuộc ba giống: Tilapia, Sarotherondon và Oreochromis thuộc họ Cichlidae. Trong ba giống thì các loài cá rô phi vằn O. niloticus, cá rô phi xanh O. aureus và cá rô phi hồng Oreochromis sp.; có khả năng thích ứng tốt trong các điều kiện môi trường nuôi khác nhau, có tốc độ lớn tương đối nhanh, là những loài đang được nuôi phổ biến nhất trên thế giới thuộc giống Oreochromis. Ở Việt Nam, cá rô phi được nuôi trong lồng, ao, cả trong môi trường nước ngọt và lợ. Cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) chủ yếu được nuôi ở các tỉnh phía Bắc và cá rô phi hồng (Oreochromis sp) được nuôi ở các tỉnh phía Nam. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2015, tổng sản lượng cá rô phi các vùng trên cả nước là 187.800 tấn, diện tích đạt 25.748 ha và 1,21 triệu m3 lồng nuôi, giá trị ước 4.200 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD), chiếm khoảng 3% giá trị nuôi trồng thủy sản. Tiêu thụ cá rô phi tại thị trường nội địa phát triển với khoảng 160.000 tấn. Xuất khẩu cá rô phi hơn 27,5 triệu USD với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Người nuôi vẫn thiếu giống cá rô phi chất lượng cao  Ảnh: Vũ Mưa

Cá rô phi hiện đang có thị trường tiêu thụ tốt trong nước cũng như xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên thế giới trong vòng 10 năm trở lại đây có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, khoảng 30 - 40%/năm. Các nước có nhu cầu tiêu thụ cao gồm cả Mỹ, nơi cá rô phi xếp thứ 8 trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất. 

Tập trung chất lượng giống

Việc phát triển cá rô phi cũng gặp không ít thách thức. Vì Việt Nam là nước đi sau trong sản xuất cá rô phi nên việc xâm nhập vào các thị trường nhập khẩu lớn là rất khó. Hơn nữa, cá rô phi của Việt Nam sản xuất còn hạn chế về số lượng, kích cỡ, chưa có thương hiệu và thiếu các sản phẩm đặc trưng. Chưa kể, dịch bệnh vẫn xảy ra, thiếu nguồn giống chất lượng cao, kháng bệnh… Tại khu vực phía Nam, đàn cá bố mẹ có dấu hiệu thoái hóa, tốc độ sinh trưởng chậm, đặc biệt là giống chịu mặn; Khu vực phía Bắc thường thiếu giống mùa đông.

Với những khó khăn trên, để phát triển nuôi cá rô phi bền vững, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS, ngày 6/5/2016 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển nuôi cá rô phi thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững với sản phẩm đa dạng, giá trị cao đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; Sản xuất đủ con giống chất lượng cao cung cấp cho người nuôi thương phẩm, môi trường dịch bệnh trong sản xuất được kiểm soát tốt; Góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Riêng về định hướng sản xuất giống, Bộ NN&PTNT xác định rõ mục tiêu quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung. Cụ thể: Đầu tư mới, nâng cấp và mở rộng quy mô, năng lực các cơ sở sản xuất giống ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình và Thanh Hóa để cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong vùng và các địa phương khác ở miền Bắc. Đầu tư cơ sở sản xuất giống ở Đắk Lắk để cung cấp nhu cầu giống nuôi cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Mở rộng quy mô sản xuất cá rô phi đơn tính đực tại Bình Định, Quảng Nam để cung cấp cho các cơ sở nuôi thương phẩm tại địa phương và đáp ứng một phần nhu cầu cá rô phi giống tại miền Bắc vào đầu vụ (tháng 2 - 4 hàng năm). Hình thành vùng sản xuất giống cá rô phi tập trung tại Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ để chủ động sản xuất con giống đảm bảo chất lượng, cung cấp đủ cho nhu cầu nuôi trong vùng và các vùng khác trên phạm vi cả nước. Cải tạo đàn cá bố mẹ và nâng cao năng lực sản xuất giống cá rô phi tại các trung tâm sản xuất giống thủy sản nước ngọt cấp 1, góp phần chủ động nguồn cá rô phi giống chất lượng tốt cho nhu cầu tại chỗ. Đến năm 2020, Trung tâm Chọn giống cá rô phi thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và các Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, Trung và Nam sản xuất đủ cá rô phi bố mẹ, hậu bị chất lượng cao, cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống cá rô phi trong nước. 

Tìm kiếm