Chia sẻ với:
Phát triển nuôi cá trên đồng ruộng mùa nước nổi
Mùa nước nổi năm nay, nông dân xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh nuôi cá trên đồng ruộng sau nhiều năm không có lũ về.
Nuôi cá trên đồng mùa nước nổi ở xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Trên đồng nước mênh mông ở xã Hòa Thuận này, nông dân sử dụng lưới bao ví nguồn cá tự nhiên đang sinh sống như: cá lóc, cá rô, cá trê, cá sặt, thác lác… kết hợp thả thêm giống cá chép, cá mè.
Ông Trần Việt Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận cho biết: “Theo dõi dự báo của ngành khí tượng - thủy văn, năm 2017 có lũ về Đồng bằng sông Cửu Long với mực nước cao hơn nhiều năm trước nên xã chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu, vận động, khuyến khích nông dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đầu tư nuôi cá trên đồng ruộng trong mùa nước nổi.
Thống kê ban đầu, bà con đã bao ví nuôi cá hơn 250 ha, tập trung nhiều nhất ở Hợp tác xã Tân Thuận Phát. Hiện nay, mật độ cá trong các ruộng được bao ví khá nhiều, đàn cá phát triển tốt và nông dân sẽ thu hoạch khi nước rút xuống, cải tạo đất sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018.”
Nằm ở vùng Tây sông Hậu thuộc tỉnh Kiên Giang, đồng đất xã Hòa Thuận là vùng trũng thấp nên nuôi thủy sản mùa nước nổi là một lợi thế của địa phương sau khi gieo trồng 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu trong năm.
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thuận Phát cho biết, Hợp tác xã vận động bà con xã viên không làm lúa vụ 3 mà chuyển sang nuôi cá, vì đồng ruộng trũng thấp, sản xuất lúa không đảm bảo ăn chắc, nhiều rủi ro do rơi vào thời điểm mùa mưa lũ diễn biến phức tạp.
"Cái lợi của nuôi cá trên đồng ruộng mùa nước nổi là cho đất nghỉ sau hai vụ sản xuất Đông Xuân và Hè Thu, vừa khai mở đồng lấy nguồn phù sa bồi bổ độ màu mỡ, diệt trừ mầm bệnh trên đồng ruộng, vừa giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập từ nguồn lợi cá nuôi. Hơn nữa, gieo trồng vụ lúa Đông Xuân sau đó, giảm chi phí sản xuất do giảm lượng phân bón, lúa giống, thuốc trừ sâu nhưng lúa sinh trưởng, phát triển tốt và trúng mùa”, ông Thành nói.
Đến thực tế ruộng nuôi cá 1,5 ha của xã viên nông dân Lê Văn Phúc, Hợp tác xã Tân Thuận Phát, ấp Hòa Khánh, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng mới thấy mô hình nuôi cá trên đồng mùa nước nổi bước đầu mang lại hiệu quả. Mặc dù chưa tính chính xác sản lượng cá sẽ thu hoạch được bao nhiêu, nhưng nhìn thấy các loài cá bơi trên mặt nước đớp mồi vào mỗi sáng sớm với mật độ khá dày. Anh Phúc thả một đoạn lưới giăng ngang dài khoảng 10 m và chỉ vài phút sau, cá rô, cá sặt, cá chép, cá mè… đâm mắc lưới khá nhiều.
Anh Phúc chia sẻ: “Tôi đầu tư lưới bao ví trên ruộng, mua 40 kg giống cá chép, cá mè các loại thả nuôi, thuê nhân công và một số chi phí khác khoảng 15 triệu đồng. Với đàn cá đang phát triển tốt như hiện nay, hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch vài ba tấn. Nếu giá bán bình quân 15.000 đồng/kg thì trong mùa nước nổi này, gia đình tôi thu về vài chục triệu đồng từ nuôi cá, lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa vụ 3.”
Lưới là ngư cụ chính thu hoạch cá trên đồng mùa nước nổi.
Không riêng gì gia đình nông dân Lê Văn Phúc, phần lớn các xã viên Hợp tác xã Tân Thuận Phát phấn khởi, mừng vui khi mô hình nuôi cá trên đồng mùa nước nổi đang có những tín hiệu tích cực, mang lại hiệu quả tốt. Bà con ở đây, cho biết mùa nước nổi năm nay, mực nước trên đồng cao hơn nhiều năm qua nên cá đồng tự nhiên và cá thả nuôi thêm lớn nhanh, phát triển tốt, chưa có bất lợi gì về dịch bệnh, chất lượng thịt cá thơm ngon do chúng ăn thức ăn ngoài đồng ruộng, sống trong môi trường tự nhiên, nguồn nước sạch.
Ngoài thời gian nông nhàn chăm sóc đàn cá, nông dân Hòa Thuận còn giăng lưới, câu, đặt lú… đánh bắt cá, nhiều hộ thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày trang trải cuộc sống sinh hoạt gia đình trong mùa nước nổi.
Ông Trần Việt Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận, cho hay từ hiệu quả nuôi cá mùa nước nổi năm nay của Hợp tác xã Tân Thuận Phát và những nông dân khác, xã tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Trên cơ sở thực tế đồng đất trên địa bàn, xã Hòa Thuận sẽ quy hoạch vùng nuôi ở những nơi có đủ điều kiện nhằm khai thác tiềm năng kinh tế thủy sản trong mùa nước nổi thay cho làm lúa vụ 3.