Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Quảng Ninh: Kỳ vọng 2.000 tỷ đồng từ nuôi tôm

Quảng Ninh: Kỳ vọng 2.000 tỷ đồng từ nuôi tôm

Home Tin Tức Quảng Ninh: Kỳ vọng 2.000 tỷ đồng từ nuôi tôm
Quảng Ninh: Kỳ vọng 2.000 tỷ đồng từ nuôi tôm
04/05/2017
34 Lượt xem

Chia sẻ với:

Quảng Ninh: Kỳ vọng 2.000 tỷ đồng từ nuôi tôm

Với dân nuôi trồng thuỷ sản, hiện con tôm được xem là “con tiền tỷ” mang lại giá trị hàng tỷ đồng/ha. Đây cũng là đối tượng nuôi chủ lực của ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh, được kỳ vọng mang về ít nhất 2.000 tỷ đồng vào năm 2020, tạo sức bật trong nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Người dân phường Hải Hoà (TP Móng Cái) phấn khởi thu hoạch vụ tôm 2016.

Nghề hái ra tiền

Ông Bùi Ngọc Liêm, Giám đốc HTX Cát Phú Hải (TP Móng Cái) là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực nuôi tôm. Nhiều năm lăn lộn trong nghề, ông Liêm luôn khẳng định con tôm là “con tiền tỷ”. Ông phân tích, với mô hình nuôi thâm canh, chỉ tính sản lượng đạt được/ha ở mức trung bình, từ anh nông hộ đến doanh nghiệp đều làm được 10 tấn/ha/vụ, cũng đã mang lại doanh thu gần 3 tỷ đồng; lợi nhuận ít nhất đạt 40% số đó. Còn với mô hình nuôi tôm khép kín, có hàm lượng công nghệ cao thì năng suất hoàn toàn có thể đạt 15-20 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thu về đạt khoảng 2 tỷ đồng/ha. Trên thực tế, Giám đốc HTX Cát Phú Hải đã “phất” lên nhờ con tôm.

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Tân An (TX Quảng Yên), một trong những người giàu lên nhờ nuôi tôm, khẳng định: Con tôm nếu được đầu tư đúng hướng sẽ mang lại siêu lợi nhuận. Bởi đây là đối tượng nuôi ngắn ngày, thường là dưới 3 tháng, có thị trường tiêu thụ lớn, chi phí đầu vào ngày càng ổn định, ít biến động, nếu nuôi tốt chỉ chiếm dưới 50% doanh thu. Hiện ông Dũng đang ấp ủ triển khai dự án nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính với thông số hiệu quả dự tính ở mức 8 vụ/năm, sản lượng 200 tấn/ha/năm, đạt lợi nhuận có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Không chỉ doanh nghiệp, những năm gần đây rất nhiều hộ dân nuôi tôm với quy mô nông hộ song cũng đạt lợi nhuận cao. Anh Nguyễn Văn Viện (thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) chính thức nuôi tôm công nghiệp từ năm 2014. Trên diện tích 1,1ha, anh thả nuôi 6 vụ, thắng lợi 5 vụ. Trong hai năm 2015, 2016, anh đạt sản lượng 17,5 tấn và 21,5 tấn, tương ứng doanh thu 3,2 tỷ đồng và 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.

Hơn 100 hộ nuôi tôm khác đều thắng lợi, lợi nhuận trung bình đạt trên dưới 200 triệu đồng/ao nuôi 2.000m2. Mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Hữu Phước (phường Hà An, TX Quảng Yên) mỗi năm đạt đến 40 tấn, doanh thu chục tỷ đồng. Anh Đinh Thái Minh (phường Hà Tu, TP Hạ Long) nuôi tôm bằng nhà bạt với diện tích 2.000m2 giữa lòng TP Hạ Long, cho thu hoạch 3 tấn/vụ. Từ hiệu quả của mô hình nuôi tôm, hiện người nuôi tôm của 11/12 vùng nuôi trồng thuỷ sản của TP Móng Cái đã tự bỏ hàng tỷ đồng nâng cấp đầu tư, đưa địa phương này thành vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 9.692ha nuôi tôm, trong đó tôm thẻ chân trắng 3.277ha, tôm sú 6.415ha. Những năm gần đây, tổng sản lượng tôm luôn đạt 10.000 tấn/năm, giá trị mang lại trên 1.000 tỷ đồng. Riêng năm 2016, tổng giá trị con tôm mang lại là 1.400 tỷ đồng, chiếm gần 31% tổng giá trị ngành nuôi trồng thuỷ sản (4.400 tỷ đồng), 19% giá trị toàn ngành thuỷ sản (7.752 tỷ đồng), 9% giá trị toàn ngành nông nghiệp tỉnh (16.056 tỷ đồng).

Để có tiền tỷ từ nuôi tôm

Nếu như trước đây nuôi tôm còn bị xem là nghề “đánh bạc với giời” thì nay không còn như vậy nữa, bởi trải qua kinh nghiệm thực tế, hầu hết người nuôi đã chủ động xử lý, điều chỉnh được các phát sinh bất lợi trong quá trình nuôi để tránh thất bại. Kinh nghiệm của người nuôi tôm là chỉ cần nuôi đảm bảo quy trình kỹ thuật và sâu sát trong quá trình nuôi là sẽ thắng, mức độ thắng ít hay nhiều còn tuỳ nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn là không lỗ vốn. Ông Nguyễn Văn Viện (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) chia sẻ: Hạ tầng nuôi là yếu tố rất quan trọng. Trong quá trình nuôi nhất thiết phải dành đất, dành tiền đầu tư phần hạ tầng, trong đó đặc biệt quan tâm các công trình phụ trợ. Thực tế ông Viện dành đến 40% diện tích sản xuất để làm ao lắng và cấp, ao xử lý nước thải, hệ thống kho chứa thức ăn, hoá chất, thiết bị...; diện tích thực nuôi chỉ chiếm 50%. Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Hùng Dũng cũng đưa vào thực nuôi 30ha/tổng số 70ha đất sản xuất của mình; phần còn lại dành làm công trình phụ, ao chứa nước biển, nước thải, kênh tiêu, bờ thửa...

Riêng đối với hệ thống ao nuôi, theo kinh nghiệm của ông Bùi Ngọc Liêm là phải được thiết kế đúng kỹ thuật, đặc biệt phần tạo đáy ao phải có độ dốc lòng chảo, trên nền địa chất không đảm bảo như cát, đất thì phải trải bạt, xây bê tông, còn nếu trên nền đá non thì thực ra không cần, vì có thể tận dụng được nhiều chất tự nhiên có lợi. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình nuôi phải sử dụng đủ quạt tạo khí, càng cuối vụ càng phải tăng cường quạt khí hơn, tạo dòng chảy, nhằm phù hợp đặc tính sinh học con tôm là cả vòng đời chỉ ăn và bơi, rất ít khi bám đáy, mà còn làm gom phân, tránh phát sinh khí độc trong ao. Tăng cường sử dụng hoá chất để diệt tạp có hại, diệt khuẩn, vi sinh gây màu nước, tạo môi trường thuận lợi khi thả con tôm xuống là ổn định ngay. Thời điểm thả con giống cần lựa chọn khi thời tiết ấm áp. Một yếu tố rất quan trọng, quyết định thắng, thua của vụ nuôi là quản lý dịch bệnh. Để đạt được điều này, người nuôi hiện đã chú trọng con giống có nguồn gốc, được kiểm dịch, môi trường nuôi được xử lý để tránh phát sinh bệnh dịch. Chỉ cần con tôm sạch bệnh thì dù có phải nuôi lâu hơn, chi phí đầu vào cao hơn thông thường, thì người nuôi vẫn thắng lợi, lãi ít nhất 100 triệu đồng/ao nuôi 2.000m2. Bởi lợi nhuận từ con tôm rất cao, có thể đạt tới trên 50% doanh thu, các mô hình nuôi tiết kiệm thức ăn, có hệ số thức ăn nhỏ, thì lợi nhuận đạt đến 60% doanh thu, từ đó có thể bù đắp cho các hao hụt khác.

Từ giá trị của con tôm cũng như kinh nghiệm nuôi của người dân, theo tính toán, đến năm 2020 sản lượng tôm toàn tỉnh có thể đạt trên 16.000 tấn, mang về giá trị trên 2.000 tỷ đồng. Con số này còn có thể đạt khả quan hơn, biến con tôm thực sự là “con tiền tỷ”, siêu lợi nhuận, bởi năng suất hiện tại của tỉnh vẫn còn thấp so với trung bình cả nước (đạt 60% đối với tôm thẻ chân trắng, 70% với con tôm sú). Việc chuyển diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng và từ hình thức nuôi quảng canh sang thâm canh, cho sản lượng và giá trị lớn, rất tiềm năng, tăng trung bình 20% diện tích; trong đó năm 2016 tăng 1.200ha, năm 2017 có thể tăng thêm khoảng 300ha. Người nuôi tôm cũng có thể nâng cao giá trị bằng việc tiến hành nuôi vụ 3 (vụ đông), là vụ đạt sản lượng cao và giá bán tăng đến 60% so với 2 vụ trước đó (vì thu hoạch vào dịp giáp Tết Nguyên đán); trong khi đó, hiện gần 70% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh mới nuôi 2 vụ/năm.


Tìm kiếm