Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm ở Sóc Trăng

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm ở Sóc Trăng

Home Tin Tức Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm ở Sóc Trăng
Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm ở Sóc Trăng
26/08/2017
37 Lượt xem

Chia sẻ với:

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm ở Sóc Trăng

Là vùng nuôi tôm trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh Sóc Trăng ưu tiên tập trung đầu tư phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến xuất khẩu. Hơn 40 nghìn héc-ta đất nhiễm mặn, đất một vụ lúa bấp bênh được cải tạo, nâng cấp chuyển sang nuôi tôm đã nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Những năm gần đây, do điều kiện thời tiết, môi trường bất lợi khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Việc ứng dụng khoa học -công nghệ đã giúp nông dân tỉnh Sóc Trăng phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững.

Nuôi tôm bằng công nghệ sinh học

Từ năm 2011 trở lại đây, nhiều hộ dân nuôi tôm ở Sóc Trăng đã phải "treo" ao vì dịch bệnh tràn lan, nợ nần chồng chất. Riêng năm 2015, toàn tỉnh có gần 46 nghìn héc-ta thả nuôi tôm nước lợ, với hơn sáu tỷ con giống. Ðây được xem là năm khó khăn nhất đối với nghề nuôi tôm nước lợ ở tỉnh, khi tổng diện tích nuôi trong tỉnh bị thiệt hại 28%, cục bộ một số vùng nuôi thiệt hại hơn 50% như ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên... Trước tình trạng một bộ phận người nuôi tôm không còn mặn mà với con tôm, vụ nuôi năm 2016, ngành nông nghiệp địa phương cùng bà con nông dân đã tổ chức rút kinh nghiệm các vụ nuôi trước.

Ông Dương Tấn Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận: Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tình hình nuôi tôm của nông dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn thì việc nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là yếu tố cơ bản gây áp lực môi trường đối với vùng nuôi. Ðể khắc phục tình trạng này, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung phát triển hạ tầng thủy lợi cho các vùng nuôi, bảo đảm thông thoáng, giúp người dân phát triển nghề nuôi tôm đạt hiệu quả cao.

Qua những vụ nuôi trước, ngành nông nghiệp đã đúc kết được một số cách làm hay của nông dân như: quản lý tốt ao nuôi, sử dụng ao lắng để xử lý nước, thả cá rô phi làm sạch tạp chất, hạn chế sử dụng hóa chất bằng cách sử dụng vi sinh tạo tảo xử lý môi trường nước, phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ mới để hỗ trợ người nuôi tôm theo hướng thân thiện với môi trường, nhất là nuôi tôm bằng công nghệ sinh học. Trong đó, chế phẩm EM được coi là tiến bộ khoa học giúp nông dân xử lý tốt môi trường ao nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho tôm. Khuyến cáo người nuôi tôm theo dõi chặt diễn biến thời tiết để chọn thời điểm thả giống phù hợp.

Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học và thực hiện triệt để các biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi mà vụ tôm nước lợ năm 2016 được đánh giá là thành công nhất về cả ba chỉ tiêu: diện tích, năng suất, sản lượng đều vượt kế hoạch. Toàn tỉnh thả nuôi 54.797 ha tôm nước lợ, đạt 122% kế hoạch, cao hơn 7,9% so vụ nuôi năm 2015, năng suất bình quân đạt từ 8 đến 10 tấn tôm/ha/vụ (tăng hơn 2 tấn/ha/vụ); tổng sản lượng tôm đạt 140 nghìn tấn (tăng gần 50 nghìn tấn).

Ðể có được kết quả này, các chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm đã ứng dụng khá thành công những mô hình nuôi tôm bằng công nghệ sinh học. Ðiển hình là ông Hứa Thành Hưng ở xã Trung Bình, huyện Trần Ðề. Vụ tôm vừa qua gia đình ông thả nuôi 24 ao tôm thẻ, thu hoạch 162 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi 11,2 tỷ đồng. Trường hợp ông Hai Hoàng - thành viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, thì ngoài việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý tốt môi trường ao nuôi còn nuôi ghép thêm cá rô phi, kết hợp thả tôm mật độ thưa (30 đến 50 con/m2). Nhờ vậy, trong số 30 ao nuôi chỉ có một ao thất bại. Mức lợi nhuận của ông Hoàng tính ra cũng hơn mười tỷ đồng. Ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, mô hình sử dụng vi sinh làm sạch môi trường ao nuôi của bà con nông dân khiến tôm phát triển khá tốt.

Theo ông Nguyễn Văn Hết, thành viên tổ hợp tác tôm lúa ấp Hòa Nhờ, những vụ nuôi trước đây ông và các tổ viên khác đều sử dụng hóa chất khiến nguồn nước và đất trong ao không được tốt, tôm thường bị nhiễm bệnh. Ông Hết cho biết: "Năm 2016, với diện tích 1.500 m2 ao nuôi, tôi chỉ sử dụng 5 kg chế phẩm xử lý môi trường, 5 kg men tiêu hóa và chỉ bổ sung thêm chất khoáng, không cần phải sử dụng thuốc kháng sinh mà tôm sống vẫn đạt tỷ lệ cao, tăng trọng khá nhanh...".

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết: Sau những thành công, thất bại từ những vụ tôm trước, người dân nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình nuôi tôm. Vì vậy, các khuyến cáo của ngành chuyên môn được người nuôi áp dụng triệt để, góp phần giảm áp lực về môi trường, giúp tôm phát triển tốt. Cùng với khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của người nuôi cũng được phát huy góp phần làm nên thành công cho vụ tôm năm 2016. Nếu như tỷ lệ ao nuôi/ao lắng mọi năm là 7/3, thì nay tăng lên 6/4, có khi là 5/5, tạo nên sự khác biệt lớn trong quy trình kỹ thuật nuôi.

Hướng đến hiệu quả và bền vững

Thành công ở vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016 của tỉnh Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến xuất khẩu mà còn đóng góp vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội địa phương. Hơn thế nữa, trong một năm mà thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp trên nhiều cây trồng, vật nuôi, nhưng người nuôi tôm đã vượt qua được, đó là sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp địa phương và người dân tỉnh Sóc Trăng.

Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, vụ tôm nước lợ năm 2017, tỉnh sẽ thả nuôi 45 nghìn héc-ta, sản lượng dự kiến 100 nghìn tấn. Tính đến đầu tháng 8 này, toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 39 nghìn héc-ta, trong đó có 13.885 ha tôm sú, 25.646 ha tôm thẻ, đạt 86,75% kế hoạch. Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng vùng nuôi tôm an toàn bằng công nghệ sinh học, thả nuôi theo năm phương châm là: nuôi nước trước nuôi tôm, thả nuôi thăm dò rải vụ, ổn định diện tích sản xuất, ứng dụng mô hình hiệu quả và thực hiện chuỗi giá trị liên kết.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí cho biết: Hiện, tỉnh ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hạ tầng cơ sở vùng nuôi tôm một cách đồng bộ; thiết lập ba vùng nuôi tôm an toàn theo hướng công nghệ cao có thương hiệu ở Cù Lao Dung - hai bên bờ sông Mỹ Thanh (trên địa bàn huyện Trần Ðề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu); xây dựng các chợ đầu mối tôm sạch, thu hút đầu tư đổi mới công nghệ chế biến thủy sản hiện đại. Ngoài ra, tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng sinh học phục vụ tốt yêu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, sản xuất rộng rãi chế phẩm vi sinh giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn, tổ chức đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Tìm kiếm