Chia sẻ với:
Yếu tố nào giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tôm năm qua?
Năm 2017 kết thúc, đánh dấu một năm tiếp tục tăng trưởng của XK tôm Việt Nam. Nếu như năm 2016, XK tôm Việt Nam chỉ tăng trưởng 6,7% thì năm 2017, XK đã có bước bứt phá đáng ghi nhận với mức tăng trưởng 22,3%. Giá trị XK sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt.
Tháng 12/2017, giá trị XK tôm đạt 339,8 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016, đưa giá trị XK cả năm lên 3,85 tỷ USD, tăng 22,3%. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các DN trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp. Hơn nữa, diện tích và sản lượng tôm nuôi trong nước tăng đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Tỷ giá đồng yên, EUR, NDT tăng so với USD cũng hỗ trợ tốt cho XK tôm Việt Nam.
Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm các loại cả nước năm 2017 đạt 723,8 nghìn tấn trong đó tôm nước lợ đạt 683,4 nghìn tấn; gồm tôm sú 256,4 nghìn tấn, tôm chân trắng 427 nghìn tấn. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 721,1 nghìn ha, trong đó, tôm sú 622,4 nghìn ha, tôm chân trắng 98,7 nghìn ha.
Nhu cầu NK từ các thị trường tiêu thụ chính (EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) tăng cao phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi một số nước đối thủ gặp khó khăn về sản xuất và thị trường XK như việc Thái Lan ngừng NK tôm Ấn Độ ảnh hưởng không chỉ Ấn Độ mà còn làm Thái Lan bị giảm nguồn cung nguyên liệu cho chế biến. Từ tháng 10/2016, Ấn Độ phải chịu tần suất kiểm tra 50% các lô tôm xuất sang EU và có nguy cơ bị EU cấm NK do lo ngại kháng sinh. Sản lượng tôm Thái Lan và Ấn Độ đều dự báo không tăng trong năm nay do dịch bệnh và thời tiết bất lợi. Đây được coi là các yếu tố tăng thêm cơ hội cho hoạt động XK tôm của Việt Nam trong năm 2017.
Năm 2017, XK tôm sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt trừ Mỹ. Thị trường EU vươn lên vị trí số 1 trong khi Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4. Trong số các thị trường NK chính, XK sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất 56,8%.
Trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK, tôm chân trắng chiếm vị trí chủ đạo với tỷ trọng 65,6%; tôm sú chiếm 22,8%, còn lại là tôm biển với 11,6%. XK các sản phẩm tôm chân trắng và tôm biển tăng trong khi XK các sản phẩm tôm sú giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các sản phẩm tôm XK, XK tôm biển sống/tươi/đông lạnh (HS 03) tăng trưởng mạnh nhất.
EU
Năm 2017, EU vươn lên vị trí dẫn đầu về NK tôm Việt Nam. Giá trị XK sang thị trường này đạt trên 862,8 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hà Lan là thị trường NK lớn nhất tôm Việt Nam trong khối EU. Trong 3 thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối EU (Hà Lan, Anh và Đức), XK sang Hà Lan tăng mạnh nhất 71,6% đạt 224,2 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Bỉ lần lượt tăng 55,5% và 52,1%.
Do tôm nước lạnh giá cao và nguồn cung giảm, nhu cầu cao cho các lễ hội cuối năm nên EU tăng cường NK tôm từ Việt Nam.
Có thể nói, năm 2017, tôm Việt Nam thắng lợi tại thị trường EU nhờ tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại EU) bị dính kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm NK nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế. Hơn nữa, để được hưởng thuế suất ưu đãi từ EU, DN phải mua tôm nguyên liệu trong nước dù giá cao hơn. Cũng do giá nguyên liệu tôm Việt Nam cao nên các DN đã đầu tư lớn để làm hàng chế biến sâu để gia tăng giá trị khi XK. Tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng GSP từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có.
Mỹ
Năm 2017, XK sang Mỹ đạt 659,2 triệu USD; giảm 7% so với cùng kỳ năm 2016. XK sang Mỹ sụt giảm do thuế chống bán phá giá trong POR11 tăng cao.
Bên cạnh đó, Ấn Độ đẩy mạnh XK tôm sang Mỹ để bù đắp sự sụt giảm ở các thị trường chính khác khiến thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ sụt giảm.
NK tôm của Mỹ tính tới tháng 11 năm 2017 đạt 5,94 tỷ USD, tăng từ 5,18 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016 trong đó NK từ Ấn Độ tăng mạnh nhất với 40%.
Trung Quốc
XK sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường NK chính của tôm Việt Nam với 56,8% đạt 683,2 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1/2018.
Với giá tôm thế giới vẫn ổn định trong 2 tháng đầu năm 2018, XK tôm Việt Nam trong quý I/2018 dự báo vẫn duy trì được đà đi lên với mức tăng khoảng 5%.