Sản lượng thu hoạch giảm mạnh
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành hàng cá tra có dấu hiệu hồi phục trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021 đến nay, ngành hàng này phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc thực hiện giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt về hạn chế đi lại tại các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy.
Tính đến giữa tháng 9/2021, diện tích thả nuôi cá tra mới đạt 3.516ha, bằng 74,3% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội (tháng 7 và 8) giảm khoảng 50 - 55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách.
Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932 nghìn tấn, bằng khoảng 81% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong 2 tháng giãn cách xã hội, sản lượng cá tra thu hoạch giảm tương ứng là 20% và gần 45% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nửa đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến đầu tháng 9/2021, đã có 176/449 cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất (chiếm hơn 39%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”. Có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 địa phương: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm 49%). Số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, do thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà máy chế biến giảm công suất, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết. Giá cá tra thương phẩm loại 1 duy trì ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg, thấp hơn 500đ/kg so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), việc áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản nói chung, trong đó ngành cá tra thiệt hại rất lớn. Số lượng nhà máy hoạt động “3 tại chỗ” chỉ duy trì khoảng 14 đơn vị tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm, với công suất sản xuất chỉ đạt 20 - 30%, trong đó chủ yếu là tập hợp công nhân thay bao bì, trả những đơn hàng đã ký.
Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Trong khi đó, việc thiếu hụt nhân lực do cách ly, bị nhiễm bệnh Covid-19, thiếu hụt tài chính để vận hành trong giai đoạn dịch bệnh, là trở ngại lớn để các doanh nghiệp trở lại sản xuất.
Ngoài ra, chi phí tăng rất cao do năng suất sản xuất giảm mạnh cộng với chi phí bảo đảm an toàn cho sản xuất “3 tại chỗ” tăng từ 30 - 70% cũng là cản trở lớn cho các doanh nghiệp quay lại sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Linh động các phương án sản xuất phù hợp
Theo khảo sát của VASEP, chỉ có 30 - 40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn, chi phí hoạt động tăng cao, hàng hóa xuất chậm. Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã kiến nghị Bộ NN&PTNT có những đề xuất, kịp thời, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành hàng cá tra.
Cũng theo ông Dương Nghĩa Quốc, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư với nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ngành thủy sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn chưa được hưởng các ưu đãi từ những hỗ trợ này. Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề xuất các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước xem xét có giải pháp mang lại thiết thực hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp nguồn vốn mới để duy trì sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, để duy trì ổn định chuỗi sản xuất cá tra trong tình hình dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã giao ngành chức năng hướng dẫn các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch trong sản xuất, chế biến cá tra; thành lập các tổ, đội đủ điều kiện về y tế để chăm sóc, quản lý, thu hoạch, vận chuyển trong chuỗi sản xuất cá tra trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức nhiều điểm xét nghiệm SARS-CoV-2, đảm bảo người lao động được xét nghiệm cả trong khi đang tham gia hoạt động sản xuất như vận chuyển thức ăn, vật tư, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm…
Bên cạnh đó, xem xét các phương án thí điểm do doanh nghiệp đề xuất về mở rộng quy mô sản xuất “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện trên cơ sở có phương án tổ chức vùng đệm giữa lực lượng lao động mới và lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”. Tổ chức thực hiện thêm các phương án sản xuất như “2 tại chỗ - vùng xanh”, “một cung đường nhiều điểm đến” để doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện
Tại hội nghị trực tuyến giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội, do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản được ổn định, cần sớm mở cửa hoạt động trở lại các chợ đầu mối bị phong tỏa; tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại chăm sóc, thả giống của người nuôi được tiếp tục thuận lợi.
Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động tham gia chuỗi sản xuất cá tra (từ sản xuất giống đến chế biến) nhằm đảm bảo nhân lực cho hoạt động sản xuất; xem xét việc cho phép các đối tượng đã được tiêm vắc xin đủ 2 mũi hoặc người bị nhiễm Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh tham gia sản xuất bình thường...