Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Hai mặt của loài sinh vật xinh đẹp dưới biển sâu

Hai mặt của loài sinh vật xinh đẹp dưới biển sâu

Trang chủ Tin Tức Hai mặt của loài sinh vật xinh đẹp dưới biển sâu
Hai mặt của loài sinh vật xinh đẹp dưới biển sâu
27/12/2021
45 Lượt xem

Chia sẻ với:

Hai mặt của loài sinh vật xinh đẹp dưới biển sâu

Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu về sứa biển dù đây là loài sinh vật có tác động lớn đến môi trường tự nhiên, cuộc sống của con người

Sứa thuộc nhóm động vật không xương sống, ngành Xoang tràng, có kích thước từ dưới 1mm tới gần 2m, là mắt xích quan trọng trong chuỗi và lưới thức ăn trong môi trường biển. Sứa thường sống ở biển và các vùng nước ven bờ và nhạy cảm với sự biến động của môi trường.

Với thân mình trong suốt, mềm mại, cấu trúc đối xứng độc đáo, sứa được xem là một trong những loài sinh vật đẹp nhất trong đại dương. Những năm gần đây, hiện tượng "sứa nở hoa" (jellyfish bloom) ngày càng xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. "Sứa nở hoa" gợi liên tưởng về một cảnh tượng đẹp đẽ đầy màu sắc, nhưng trên thực tế lại là một thảm hoạ về mặt tự nhiên.

Theo đó, "sứa nở hoa" là hiện tượng sứa phát triển ồ ạt, kết quả của việc đánh bắt quá mức, gây mất cân bằng hệ sinh thái biển, bên cạnh hệ quả của biến đổi khí hậu và thay đổi điều kiện môi trường. Khi "nở hoa", quần thể sứa sẽ cạnh tranh không gian sống, nguồn thức ăn với các loại thủy sản khác. Chúng tiêu thụ một số lượng lớn cá con, ấu trùng tôm cá. Mỗi cá thể sứa có kích thước 5 cm có thể ăn tới 10 cá trích bột mỗi giờ.

 

Chúng cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường, bao gồm cả đối với con người (đôi khi gây chết người), làm tắc nghẽn thiết bị làm mát và hư hỏng các nhà máy điện, làm rách lưới đánh cá của ngư dân, làm bẩn cá đánh bắt, làm chết cá nuôi.

Bên cạnh đó, độc tố sứa đã được ghi nhận gây nhiều thiệt hại trong ngành du lịch. Tại Tây Ban Nha, chỉ riêng năm 2006 đã có tới 70.000 người bị bỏng hay bị dị ứng do đụng chạm phải sứa khi tắm biển. Năm 2007, Cannes (Pháp) và Monaco là hai thành phố ở Địa Trung Hải đầu tiên phải sử dụng lưới che chắn ở một số bãi biển nhằm bảo vệ người dân đến tắm biển ở đây chống lại sự tấn công của sứa.

Tuy nhiên, một mặt còn lại, sứa vẫn mang tới nhiều lợi ích, có thể là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người, khai thác kinh tế. Tại 4 vùng ven biển của Việt Nam, tổng trữ lượng sứa kinh tế ở bốn vùng ven biển Việt Nam ước khoảng hơn một triệu tấn, chủ yếu là sứa trắng mùa vụ từ từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm, sứa đỏ thường từ tháng 2 đến tháng 6, sứa rô thường từ tháng 4 đến tháng 8. Đây đều là những loại sứa có thể khai thác để làm thực phẩm. Ngư dân đi đánh bắt có thể kiếm lợi hàng chục triệu đồng mỗi chuyến đi biển. Giá trị xuất khẩu sứa thô hàng năm lên tới hàng triệu USD tại một số địa phương.

 

Sứa còn có một số lợi ích khác, như nghiên cứu gần đây cho thấy, sứa đóng một vai trò chủ đạo trong việc chuyển carbon giữa mạng thức ăn tầng mặt và tầng đáy ở các hệ sinh thái ven bờ. Nghiên cứu sinh hóa học cho thấy, thịt sứa chứa chất dinh dưỡng thấp song chứa một số loại vitamin không thay thế và axit nicitinic, giàu khoáng chất như Na, Ca, K, Mg (Hsied và cộng sự, 1996). Chất tạo keo (collagen) chiết xuất từ sứa có thể sử dụng trong nhiều ứng dụng khoa học khác nhau, bao gồm cả việc điều trị bệnh viêm khớp mãn tính, thuốc chữa trị bỏng và làm da nhân tạo...

Dù có tác động lớn với môi trường sinh thái biển cũng như có ảnh hưởng trên khía cạnh đời sống, kinh tế, hiện ở Việt Nam chưa có nhiều dự án nghiên cứu đào sâu về loại sinh vật này. Việc nghiên cứu sứa mới bắt đầu được tiến hành trong khoảng 50 năm trở lại đây, trong đó lần đầu tiên 98 loài sứa biển Việt Nam được công bố vào năm 1966, nhưng những nghiên cứu này cũng chỉ dừng lại ở việc xác định thành phần loài và hình ảnh minh họa hình dạng sứa.

Cho tới nay, ở Việt Nam mới chỉ có 2 đề tài chính thức nghiên cứu về sứa biển được thực hiện. Một là đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu sứa để phát triển nguồn dược liệu và hoạt chất sinh học từ sinh vật biển. Một nghiên cứu khác hoàn thành năm 2011 xác định trữ lượng, mùa vụ và khả năng khai thác của 4 loài Sứa thủy sản, đồng thời xác định được tổng số 128 loài, trong đó có 26 loài sứa dù và 14 loài sứa lược ở vùng biển ven bờ.

 

Với nguồn dữ liệu ít ỏi như trên, Viện Tài nguyên và môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đề xuất hợp tác với đối tác Nhật Bản nghiên cứu đa dạng sinh học của sứa, đánh giá vai trò của chúng ở vùng biển Việt Nam. Dự án trực thuộc Chương trình khoa học và công nghệ Quốc gia, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Theo nhóm dự án, mục tiêu của dự án sẽ là có được cơ sở dữ liệu về hình thái, phân bố, mã vạch di truyền của một số loại sứa phổ biến như Sứa dù (Scyphozoa), Sứa lược (Ctenophora) ở vùng biển ven bờ Việt Nam, đánh giá được vai trò của chúng trong đời sống kinh tế.

 

Dự án góp phần mở ra hướng ứng dụng công nghệ sinh học phân tử, đồng vị phóng xạ bền trong nghiên cứu phân loại sinh học, sinh thái học giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu và đánh giá đa dạng sinh học biển Việt Nam nói chung và sứa nói riêng. Ngoài ra dự án góp phần định hướng khai thác, sử dụng các loài sứa có lợi và quản lý, hạn chế tác hại từ các loài sứa có hại trong các khu vực ven biển Việt Nam.

Kết quả của nhiệm vụ sẽ cung cấp một cơ sở dữ liệu sứa biển Việt Nam, đây sẽ là tiền đề cho việc phân loại và kiểm định các sản phẩm từ sứa sau này. Ngoài ra, kết quả cũng góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quản lý, khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển.

Tìm kiếm