Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có không ít mô hình sản xuất mới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao thu nhập, xóa nghèo.
Không đất sản xuất, gia đình chị Phan Thị Út (ấp Tân Điền A, xã Thanh Tùng) là hộ nghèo nhiều năm liền. Được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn vốn giúp phụ nữ nghèo, chị Út đầu tư mô hình nuôi chim cút đẻ trứng. Ban đầu chỉ nuôi 20 con cút, nay nhân đàn trên 300 con. Hiện chị có thu nhập hơn 200 ngàn đồng/ngày từ bán trứng cút. Nhờ nắm bắt kỹ thuật nuôi, sau 3 năm, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.
Theo chị Út, nuôi cút không tốn nhiều diện tích, quan trọng nhất khi nuôi là phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng nhằm tạo môi trường sống tốt cho chim. Tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi loài chim này gần như không có, sau 6 - 7 tháng cho đẻ xuyên suốt thì có thể bán cút thịt với giá 25 ngàn đồng/con, lấy vốn tái đầu tư lứa cút tiếp theo.
Từ năm 2010, gia đình ông Nguyễn Chí Nguyện (ấp Hiệp Hòa, xã Ngọc Chánh) đã đào đắp ao trồng bồn bồn, với 4.000m2. Bình quân mỗi ngày ông thu hoạch từ 10 - 15kg. Vào những tháng Tết Nguyên đán và đám tiệc nhiều, ông bán hơn 200kg bồn bồn mỗi ngày, giá 40 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi tháng thu nhập gần 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông thả nuôi thêm các loài cá nước ngọt và nuôi tôm cua kết hợp trên diện tích 4ha, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện gia đình ông Nguyện đang quy hoạch khoảng 2.000m2 để mở rộng trồng bồn bồn.
Để duy trì diện tích bồn bồn của gia đình thu hoạch được quanh năm, ông Nguyện bao ví cẩn thận, mùa nắng nóng thì rải phân, bơm thêm nước liên tục để cây bồn bồn phát triển; khi mưa nhiều thì bơm hút nước đáy ao ra để giảm bớt lượng phèn trong ao. Ông Nguyện cho biết: “Trồng bồn bồn hiệu quả cao hơn nuôi tôm, vì nuôi tôm có mùa nghịch, còn bồn bồn cho thu nhập hàng ngày. Hiện gia đình trồng không đủ cung cấp cho người dân trong ấp, xã”.
Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nuôi tôm công nghiệp, anh Phạm Tấn Kha (ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc) trước đây nuôi ao đất, nhưng qua thời gian bị ô nhiễm, từ năm 2018, anh quyết định chuyển sang nuôi ao trải bạt. Từ đầu năm đến nay, anh thả 1 vụ với 600 ngàn con tôm giống; thu hoạch tỉa thưa được 7 tấn. Mỗi năm nuôi 2 vụ, trừ chi phí, lãi từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh nuôi tôm cua kết hợp trên diện tích 3,6ha, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng. Sau mỗi vụ nuôi, anh Kha đều cải tạo lại ao nuôi và để thời gian cho đất nghỉ ngơi. Kinh nghiệm của anh là mỗi năm chỉ nuôi khoảng 2 vụ, cách này vừa giúp đào thải lượng bùn đất vừa giúp diệt các loại vi khuẩn trong ao nuôi, nên hiệu quả đem lại khá cao.
Hiện toàn huyện có 385 mô hình sản xuất có hiệu quả: Trồng bồn bồn, nuôi cá nước ngọt, nuôi đa canh đa con kết hợp trồng hoa màu, nuôi tôm quảng canh cải tiến…; trong đó, hơn 20 mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao như nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm hồ nổi... Với cách làm mới này, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế ổn định, bền vững hơn.
“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả đã có và nhân rộng những mô hình mới, vật nuôi mới để người dân có thể áp dụng vào điều kiện thực tế gia đình để phát triển kinh tế”, ông Ngô Bá Thành, Chủ tịch UBND huyện, cho biết.