Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Khánh Hòa: Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp

Khánh Hòa: Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp

Trang chủ Tin Tức Khánh Hòa: Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp
Khánh Hòa: Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp
30/09/2020
34 Lượt xem

Chia sẻ với:

Khánh Hòa: Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp

Trong định hướng phát triển chung của ngành Nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp đang được chú trọng. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sẽ tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa các chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển theo hướng đi này.

Những bước đi đầu tiên

Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra thực tế các khu vực nuôi thủy sản trên vịnh Vân Phong. Tại Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I), khu nuôi của trung tâm có 20 lồng tròn chất liệu nhựa HDPE chịu được gió, bão mạnh để nuôi cá thương phẩm và 22 lồng vuông để nuôi cá giống bố mẹ, ương cá giống. Trung tâm cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước nuôi cá biển (chủ yếu cá chim vây vàng) quy mô công nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp, từ 15 đến 20% trong suốt vụ nuôi kéo dài 8 - 10 tháng. Hiện nay, quy mô sản lượng của trung tâm khoảng 200 tấn/vụ nuôi; trong đó 50% sản lượng tiêu thụ nội địa, còn lại xuất khẩu với giá bán dao động từ 110 đến 150 nghìn đồng/kg, lợi nhuận 20 - 30%.

Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, toàn tỉnh có hơn 57.000 lồng nuôi tôm hùm, hơn 9.000 lồng nuôi cá biển; sản lượng trung bình hàng năm khoảng 1.500 tấn tôm hùm và 8.000 tấn cá các loại. Tuy có lợi thế về phát triển nuôi biển nhưng thời gian qua, nuôi thủy sản biển vẫn chủ yếu theo hình thức nuôi lồng bè gỗ truyền thống. Đối với nuôi biển theo hướng công nghiệp, chỉ mới có những bước đi đầu tiên; một số doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp chủ yếu tập trung ở khu vực vịnh Vân Phong với 7 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp nuôi trai lấy ngọc với quy mô 55.000 lồng và 5 doanh nghiệp nuôi cá biển với sản lượng mỗi năm khoảng 430 tấn cá chim, 4.500 tấn cá chẽm và 40 tấn cá mú. Thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy nuôi biển theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả rất cao, như trang trại của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, hay trang trại của các công ty: Phương Minh, Phúc Minh, AUSTRALIS... Đây là hướng đi phù hợp để khuyến khích phát triển trong giai đoạn tới.

Thúc đẩy nuôi công nghiệp

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, kết quả phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Khó khăn trong phát triển nuôi biển hiện nay là nguồn giống tôm hùm (đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh) chưa chủ động sản xuất được, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tự nhiên và nhập khẩu từ nước ngoài nên giá quá cao và không chủ động được thời gian nuôi. Trong khi đó, công nghệ nuôi của người dân còn lạc hậu, đa số sử dụng thức ăn tươi, mật độ thả nuôi chưa đảm bảo, do đó độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn…

 

Qua thị sát tại vịnh Vân Phong, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Trình độ, phương thức, hệ thống lồng bè nuôi tại Vân Phong vẫn còn nhiều hạn chế. Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển nuôi biển công nghiệp, địa phương cần xác định phương châm “Nhà nước tạo sàn diễn, khoa học đi tiên phong, doanh nghiệp đua tài, nông dân hưởng lợi”. Địa phương cần chú trọng các vấn đề như: Phải làm chủ được công nghệ sản xuất giống; xác định được đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng nuôi và phải gắn với thị trường; phải sản xuất được hệ thống thiết bị công nghệ nuôi tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi biển theo các chuỗi liên kết… Muốn vậy, ngoài các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển của Trung ương, tỉnh cần có những chính sách riêng để khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển công nghiệp.

Theo ông Võ Nam Thắng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, để mang lại hiệu quả cao và bền vững trong phát triển nuôi thủy sản biển, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh các chính sách thúc đẩy nuôi biển theo hướng công nghiệp; ưu tiên phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm hùm lồng và các loại cá biển là những đối tượng nuôi phù hợp, địa phương có lợi thế. Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp nuôi thủy sản trong và ngoài nước hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản trên biển, nhất là các vùng biển hở. Đồng thời, phát triển chuỗi liên kết giữa người nuôi trồng thủy sản với đơn vị cung cấp các yếu tố đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc...), giữa người nuôi với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản để tìm đầu ra ổn định cho người nuôi.

Tìm kiếm