Giáo sư Donald Vincent Lightner là một biểu tượng trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh lý học trên tôm. Năm 1971, ông Lightner khi đó vừa nhận bằng tiến sĩ với luận án nghiên cứu một loài virus trên cá hồi vân tại Đại học Bang Colorado, đã bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình tại Phòng thí nghiệm Thủy sản Biển Quốc gia ở Galveston, Texas.
Năm 1975, ông Lightner chuyển đến Đại học Arizona. Năm 1986, ông thành lập Phòng thí nghiệm Bệnh học Tôm của Đại học Arizona, nơi đây sau này là trung tâm nghiên cứu bệnh lý tôm hàng đầu thế giới và trở thành Phòng thí nghiệm Tham khảo của OIE (Tổ chức Thú y Thế giới) vào năm 1993.
Trong 44 năm công tác tại Đại học Arizona, ông Lightner là người đi tiên phong trong việc quản lý bệnh lý và dịch bệnh ở tôm, đóng góp nhiều nghiên cứu mang đến giá trị lâu dài cho người nuôi tôm ở khắp thế giới. Ông là tác giả của hơn 500 ấn phẩm và bài thuyết trình, những công trình nghiên cứu của ông đã được trích dẫn vô số lần.
Ông Lightner nổi tiếng vì những đóng góp quan trọng trong việc đưa ngành tôm toàn cầu thoát khỏi sự ảnh hưởng của bệnh EMS lúc này đang là dịch bệnh không rõ nguyên nhân nhân đang hoành hành khắp châu Á.
Sau khi nghiên cứu căn bệnh này trong nhiều năm, vào giữa năm 2013, ông Lightner và nhóm cộng sự đã phát hiện ra vi khuẩn Vibrio là nguyên nhân gây bệnh EMS (Hội chứng chết sớm, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, AHPND). Sau đó, vào tháng 1/2014, ông Lightner công bố giải pháp phát hiện vi khuẩn Vibrio, ông còn phát triển phương pháp chẩn đoán có khả năng phát hiện sự khác biệt di truyền giữa vi khuẩn Vibrio parahaemolyuticus gây bệnh với các dòng vi khuẩn biển thông thường khác.
"Phát triển chẩn đoán là một quá trình phức tạp" ông Lightner nói vào thời điểm đó, "Nhưng bây giờ chúng tôi đã hoàn thành công việc, tôi rất vui vì chúng tôi có một cách được xác định rõ ràng để đưa nó ra thế giới để giúp giải quyết vấn đề."
Trong suốt cuộc đời cống hiến của mình, ông Lightner đã kết hợp kỹ năng nghiên cứu hiện đại, kinh nghiệm cá nhân trong sản xuất và tình yêu công việc để áp dụng khoa học hợp lý giúp xác định các tác nhân gây bệnh, đề xuất các giải pháp phù hợp và thiết thực về mặt thương mại để ngăn ngừa và quản lý các đợt bùng phát.
Di sản nghiên cứu khoa học khổng lồ mà ông Donald Lightner để lại đã đặt nền móng phát triển cho nghề nuôi tôm hiện đại. Sự ra đi của ông là mất mát to lớn với ngành tôm toàn cầu, như dòng đăng tải của Đại học Arizona nơi ông làm việc: “Thế giới nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các chuyên gia về bệnh động vật thủy sản, đã mất đi một biểu tượng.”