Bỏ phố về quê nuôi trồng thủy sản
Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành công tác xã hội, nên gia đình và bạn bè ai cũng bất ngờ khi Đinh Văn Ngọc (1993), ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận (Bình Sơn) lại về quê khởi nghiệp bằng nghề nuôi trồng thủy sản.
"Bỏ phố" về làng vào năm 2017, với vốn liếng lận lưng là kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản học hỏi được từ một người bạn ở Khánh Hòa, Ngọc tận dụng diện tích mặt nước ngay cửa sông Đầm để thả nuôi cá mú, dìa và hàu Thái Bình Dương. "Ra trường, làm việc ở TP.Hồ Chí Minh 3 năm, tôi thấy các chi phí như nhà cửa, sinh hoạt... đều khá đắt đỏ. Nếu bản thân cứ bám trụ và làm công ăn lương mãi thì rất khó bứt phá. Vì vậy, tôi quyết định về quê và phát triển nuôi trồng các loại thủy sản", Ngọc bộc bạch.
Sau 4 năm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, hiện Ngọc đã nuôi ổn định 6 bè hàu Thái Bình Dương. Bình quân mỗi năm, Ngọc xuất bán ra thị trường từ 8 - 10 tạ hàu thành phẩm. Song song với đó, mỗi năm, Ngọc thả nuôi từ 1.000 - 1.500 cá mú, cá dìa giống và thu hoạch được từ 1,5 - 2 tạ cá thành phẩm.
Ngoài nuôi trồng thủy sản, Ngọc còn cùng hai anh trai xây dựng và mở nhà hàng tiệc cưới, cùng các dịch vụ đi kèm như: Cho thuê bàn ghế, trang trí tiệc cưới, hỏi... Theo Ngọc, việc song hành hai công việc giúp Ngọc tận dụng được mọi thời gian rảnh rỗi để làm kinh tế. “Nuôi trồng thủy sản và trang trí tiệc cưới khi mới nghe thì thấy không liên quan đến nhau, nhưng là hai công việc bổ sung, hỗ trợ nhau. Nhờ tham gia vào dịch vụ cưới hỏi, mà các sản phẩm thủy sản thành phẩm của tôi không còn lo về đầu ra. Bởi hàu, cá mú, cá dìa... đều là nguồn nguyên liệu được khách hàng ưa chuộng sử dụng trong các đám tiệc”, Ngọc chia sẻ.
Thuyền trưởng tuổi 24
Vừa bước sang tuổi 24, nhưng ngư dân Trần Ngọc Tâm, ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã có “thâm niên” 8 năm đi biển và 5 năm làm thuyền trưởng. Trải qua ngần ấy năm đối mặt với sóng gió biển khơi, nên dù tuổi đời còn rất trẻ, Tâm đã dày dạn kinh nghiệm đi biển không kém bất kỳ một ngư phủ lớn tuổi nào.
Suốt 5 năm qua, bằng kinh nghiệm của mình, thuyền trưởng Trần Ngọc Tâm đã lái con tàu vươn khơi “thuận buồm xuôi gió”, trở về với tôm, cá đầy khoang. “Phiên biển lời hay lỗ phụ thuộc rất lớn vào thuyền trưởng. Bởi thuyền trưởng không chỉ là người lái tàu, mà còn phải là người có kinh nghiệm dò tìm luồng cá. Bởi vậy, tuổi đời còn trẻ mà Tâm làm được như vậy là rất giỏi!”, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tịnh Kỳ Phan Hữu Nhất ngợi khen.
Không chỉ tiếp nối cha lái tàu, Tâm còn nhạy bén tìm hiểu thị trường và linh hoạt chuyển đổi nghề phù hợp với tình hình mới. “Trước đây, tàu của tôi làm nghề câu ở vùng lộng. Nhưng rồi, nhận thấy sản lượng nghề câu ngày càng sụt giảm, tôi đã tìm hiểu và bàn bạc với cha chuyển qua nghề mành chụp chuyên săn các loại hải sản ở tầng nổi, để nâng cao sản lượng và đa dạng các loại hải sản đánh bắt hơn”, Tâm bộc bạch.
Chuyển sang nghề mành chụp, một nghề vẫn còn khá mới mẻ đối với ngư dân trong tỉnh, nên Tâm đã liên hệ với các bạn thuyền tại Nghệ An để học hỏi và tự mình bắt tay vào việc thiết kế, làm hệ thống mành chụp phù hợp với tàu. “Tôi tự đo đạc, rồi mua sắt, thép... về làm hệ thống mành chụp phù hợp với kích thước của tàu. Trong quá trình làm và lắp ráp, chỉ những phần cần hàn, tiện thì tôi mới mang ra tiệm cơ khí; còn lại tự học hỏi, tìm hiểu rồi làm. Nhờ đó, tôi chỉ mất khoảng hơn 100 triệu đồng để hoàn thiện hệ thống mành chụp gắn vào tàu, rẻ gần một nửa so với thuê dịch vụ bên ngoài”, Tâm chia sẻ.