Sau mất mát do mưa lũ, người nuôi tôm thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại đối mặt với nỗi lo số tôm còn lại trong hồ nuôi đang có nguy cơ dịch bệnh cao.
Xã Kỳ Hà - “vựa tôm” của thị xã Kỳ Anh có 45/56 ha diện tích hồ tôm bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ. Số tôm còn lại trong các hồ nuôi đang đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh nguy hiểm do thay đổi môi trường nước và thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Gia đình ông Nguyễn Đức Tiến (thôn Đông Hà, xã Kỳ Hà) có 1,5 ha hồ nuôi với hơn 32 vạn con tôm thẻ chân trắng. Lũ lớn đã phá vỡ nhiều điểm bờ hồ ngay cận kề thời điểm thu hoạch khiến ông Tiến mất hơn 50% số tôm. Cùng đó, nước lớn kết hợp với thủy triều dâng, kéo theo nhiều rác thải, tạp chất đã khiến các hồ nuôi bị ô nhiễm nặng nề.
Ông Tiến cho biết: “Mất mát ngay trong lũ thì đã đành rồi nhưng lo nhất bây giờ là rất có thể mất hết số tôm còn lại do dịch bệnh. Không chỉ nước bị ô nhiễm mà thời tiết sau lũ cũng thay đổi quá nhanh, nắng oi vào ban ngày, nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm, là điều kiện tốt để phát sinh các loại dịch bệnh ở tôm".
Chia sẻ về các dấu hiệu tôm mắc bệnh có thể nhận biết được sớm, ông Tiến cho hay, qua kiểm tra hồ nuôi, nếu thấy tôm vùi mình vào đáy ao, bờ ao, bơi lờ đờ và ăn kém hoặc bỏ ăn, tức là tôm đã bắt đầu nhiễm bệnh. Để phòng ngừa, mấy hôm nay, tôi thường xuyên kiểm tra ao, theo dõi sát sức khoẻ của tôm, cố gắng điều tiết mức nước phù hợp, đảm bảo lượng ô xi hòa tan đầy đủ.
Tại xã Kỳ Nam, 29 ha ao nuôi tôm của 12 hộ nuôi cũng bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua. Hầu hết số tôm tại đây đều mới được thả nuôi, sức đề kháng kém nên việc nhiễm bệnh trên tôm là rất dễ xảy ra.
Ông Lê Văn Phong ở thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam thả hơn 30 vạn con tôm thẻ mới hơn 1 tháng. Mưa lớn cộng với thủy triều dâng cao đã cuốn mất hơn 17 vạn tôm giống của gia đình. Số còn lại trong hồ những ngày này đang được ông túc trực kiểm tra thường xuyên.
“Theo kinh nghiệm của tôi, thời tiết sau mưa lũ thường là điều kiện tốt cho dịch bệnh trên tôm bùng phát. Các bệnh thường gặp gồm: bệnh đỏ thân, đốm trắng... Mặc dù đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong phòng dịch nhưng tôi vẫn rất lo sợ vì nguồn nước ô nhiễm từ đợt mưa lũ làm tôm thẻ khó có thể thích nghi kịp…" - ông Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: “Địa phương đã phân công cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con hướng khắc phục. Đồng thời giao Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi phối hợp với các xã, phường kiểm tra, chỉ đạo bà con thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xử lý môi trường nước đối với các diện tích còn lại. Đối với những hồ tôm bị ngập, trôi hoặc chết thì chỉ đạo các hộ tiếp tục cải tạo lại ao để thả nuôi tiếp trong thời gian tới”.
Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh đang hướng dẫn hộ nuôi xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí thường xuyên nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh.
Bên cạnh đó, rải vôi bột quanh bờ ao kết hợp bón vôi trong lòng ao để ổn định độ PH; đồng thời bổ sung vitamin C, chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh trên tôm sau mưa lũ.