Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Nuôi ghép tổng hợp góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững

Nuôi ghép tổng hợp góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững

Trang chủ Tin Tức Nuôi ghép tổng hợp góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững
Nuôi ghép tổng hợp góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững
18/02/2023
61 Lượt xem

Chia sẻ với:

Nuôi ghép tổng hợp góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững

Việc nuôi ghép các đối tượng thủy sản khác nhau trong cùng một ao nuôi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định, ít rủi ro mà còn góp phần ổn định môi trường nuôi sinh thái, bền vững và an toàn dịch bệnh.

Đây là hình thức nuôi ghép theo hướng an toàn sinh học, chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao, không sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh nên đã tạo ra được sản phẩm an toàn và sinh thái, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. 

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn” tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và xã Cát Minh (huyện Phù Cát).

Hộ nuôi phải đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật về ao nuôi là ao sinh thái có cây ngập mặn ven bờ hay ao vừa có cây ngập mặn ven bờ vừa có cây ngập mặn trong ao; ao ở vùng trung đến hạ triều, thuận lợi trong việc cấp và thoát nước, có thể tận dụng sự lên xuống thủy triều để đảm bảo không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ngập mặn. 

Với nguồn kinh phí được hỗ trợ 50% về con giống, vật tư thiết yếu, các hộ nuôi tiến hành thả 100.000 con giống tôm sú (3-5 cm/con), 1.000 con cá chua (6 cm/con) và 2.000 con cua xanh giống (1,5 cm/con). Đồng thời, được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, xử lý gây màu nước, thả giống, đến các bước chăm sóc quản lý, phòng bệnh,... 

Anh Nguyễn Thế Lập (xã Phước Sơn) cho biết: nhờ được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn nên trong quá trình triển khai, các đối tượng tôm, cua, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống sao hơn so với hình thức nuôi chuyên tôm trước đây, không xuất hiện dịch bệnh. Sau 5 tháng nuôi có thể thu hoạch tôm sú 22 g/con, cua xanh 250 g/com, cá chua 400 g/con. Sản lượng ước đạt 1.919 kg (trong đó, tôm sú 1.364 kg, cua xanh 215 kg, cá chua 340 kg), sau khi tính toán trừ các chi phí, anh Lập ước lãi khoảng 177 triệu đồng trên ao nuôi 01 ha (10.000 m2). 

 

Tại xã Cát Minh, sau 5 tháng thả nuôi tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn, trên diện tích ao nuôi 01 ha, ông Lê Kim Đông bắt đầu thu hoạch với sản lượng 1.975 kg (trong đó, tôm sú 1.300 kg, cua xanh 250 kg, cá chua 425 kg), sau khi trừ các chi phí, ông lãi khoảng 151 triệu đồng.

Ông Đông chia sẽ, so với nuôi chuyên tôm thì việc nuôi ghép ít rủi ro hơn, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, ổn định và bền vững hơn, không còn nỗi lo dịch bệnh xảy ra. Không những vậy, nhờ kết hợp với cây ngập mặn có trong ao nên môi trường sinh thái ao nuôi ổn định, cây ngập mặn cũng phát triển tốt hơn. 

Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông) cho biết, đây là mô hình nuôi ghép kết hợp nhiều đối tượng nuôi trên cùng một diện tích, trong cùng một thời vụ đã góp phần tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, thức ăn thừa của các đối tượng nuôi chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Ngoài ra, cây ngập mặn phát triển trong ao nuôi sẽ phát huy chức năng lọc nước, ổn định các yếu tố môi trường nước, giúp cho tôm, cua, cá sinh trưởng và phát triển tốt, giảm thiểu thiệt thại do dịch bệnh gây ra.

 

Được biết, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục triển khai mô hình này trên 03 điểm trình diễn tại huyện Phù Cát và Tuy Phước để tạo điều kiện để người dân tham gia, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế ao nuôi. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nuôi, từng bước hình thành một nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định và bền vững.

Tìm kiếm