Nhằm tận dụng tiềm năng dồi dào của nguồn nước hồ chứa thủy lợi, phát triển một nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định xây dựng và thực hiện mô hình “Nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại các hồ chứa lớn như Định Bình (Vĩnh Thạnh), Mỹ Thuận (Phù Cát), với quy mô 100 m3 lồng nuôi/điểm trình diễn.
Tại hồ Mỹ Thuận (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát), được sự hỗ trợ 50% kinh phí giống và vật tư của Trung tâm Khuyến nông, ông Nguyễn Văn Điều tiến hành thả vào lồng nuôi 5.000 con cá giống thát lát cườm kích cỡ 6 – 10 cm. Nhờ áp dụng tốt theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nên sau 8 tháng thả nuôi, cá lớn nhanh, không xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống cao (85%), trọng lượng cá trung bình đạt 400 gam/con, ước tính sản lượng 1.700 kg/100 m3 lồng nuôi.
Ông Điều cho biết: với kích cỡ cá 400 gam/con thì chưa thể thu hoạch, để đạt lợi nhuận cao thì cá phải đạt trên 700 gam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại cá phát triển rất đồng đều, phù hợp với điều kiện môi trường nước trên hồ chứa. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư và chăm sóc đến khi đạt trọng lượng để thu hoạch, khi đó hiệu quả kinh tế đem lại sẽ cao hơn.
Tương tự, anh Huỳnh Tấn Dương (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) cũng có thâm niên trong nghề nuôi cá lồng trên hồ Định Bình. Trước đây, anh chủ yếu tập trung nuôi các đối tượng như cá điêu hồng, rô phi, trê lai,… đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường và tăng thêm thu nhập cho gia đình, anh đã mạnh dạn đầu tư tham gia mô hình. Được sự hỗ trợ con giống, vật tư thiết yếu và kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông, với 5.000 con giống cá thát lát cườm ban đầu, đến nay sau 8 tháng thả nuôi, anh Dương ước tính còn lại khoảng 4.250 con cá thương phẩm với kích cỡ trung bình 450 gam/con, ước lãi khoảng 40 triệu đồng.
Theo anh Dương, so với các giống cá hiện đang nuôi tại hồ Định Bình, đây là giống cá có giá trị kinh tế cao hơn hẳn, cá lớn nhanh và chống chịu được bệnh tốt. Trong quá trình nuôi, phải luôn tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về vệ sinh lồng nuôi, quản lý thức ăn dư thừa,…Thường xuyên theo dõi tốc độ phát triển của cá về kích cỡ và trọng lượng. Đặc biệt, khi cá phân đàn, cần có biện pháp tách đàn, sang lồng nuôi theo cùng kích cỡ giúp cá phát triển đồng đều hơn.
Theo ông Lê Tấn Phát, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông): Mô hình triển khai giúp người nuôi an tâm hơn về đầu ra sản phẩm với giá cả hợp lý. Các hộ dân tham gia mô hình sẽ được liên kết tiêu thụ sản phẩm dựa trên một cơ chế phối hợp đã được đề ra dưới sự thống nhất cao của các bên tham gia. Hi vọng từ thành công bước đầu của mô hình sẽ tạo đà phát triển một đối tượng nuôi có giá trị thương phẩm cao, từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm cá thát lát cườm, qua đó góp phần triển một nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.