Chia sẻ với:
Sóc Trăng phát triển kinh tế biển bền vững
Với 72km bờ biển cùng ba cửa sông lớn thông ra biển, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế biển một cách bền vững tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Qua thời gian thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 11-9-2007 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vùng kinh tế biển và vùng ven biển đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định phát triển kinh tế - xã hội vùng biển là ưu tiên trong chiến lược phát triển, Sóc Trăng tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp như: chế biến, năng lượng tái tạo, phụ trợ phát triển nông nghiệp và khai thác ngành dịch vụ gắn với thế mạnh kinh tế biển trở thành ngành kinh tế chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển, vùng ven biển tăng bình quân 10 - 11%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, tổng sản phẩm của vùng biển có mức độ đóng góp từ 34-35% tổng sản phẩm toàn tỉnh; tổng sản lượng thủy hải sản đạt 166.500 tấn, trong đó khai thác biển là 70.500 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp vùng biển đạt 8.270 tỉ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 30.270 tỉ đồng.
Phát triển kinh tế biển trong tương lai
Với lợi thế giáp biển, vùng ven biển của Sóc Trăng có diện tích tự nhiên 118.688 héc ta, trong đó phần bãi bồi rộng trên 25.000 héc ta được phù sa bồi đắp mỗi năm. Thêm vào đó, Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72km và ba cửa sông lớn tiếp giáp biển là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh. Đây là điều kiện tự nhiên giúp Sóc Trăng luôn có nguồn tài nguyên thủy hải sản phong phú để phát triển ngành nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản.
Cảng cá Trần Đề là một trong 10 cảng cá lớn nhất của cả nước, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển tiềm năng về kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung. Chính vì vậy, cảng Trần Đề được tỉnh Sóc Trăng chú trọng khai thác hiệu quả và mới đây đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng sẽ được phát triển theo định hướng xã hội hóa với quy mô và loại hình phù hợp với nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư.
Sóc Trăng sẽ phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ gắn với lợi thế của vùng biển như: dịch vụ logistics và du lịch biển. Vừa qua, tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đã đi vào hoạt động, hành trình từ Sóc Trăng đi Côn Đảo chỉ mất 2 giờ 30 phút. Bên cạnh đó, nhiều khu du lịch sinh thái đang được kêu gọi đầu tư như Khu du lịch sinh thái Hồ Bể - Vĩnh Châu, Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó - Trần Đề...
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển ngành và sản phẩm mũi nhọn cho phát triển kinh tế biển.
Đầu tư cơ sở hạ tầng
Nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và phát triển vùng biển, Sóc Trăng chủ trương sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển, kể cả các công trình thuộc kết cấu hạ tầng lớn như cảng, đường giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư trên địa bàn vùng biển lên đến khoảng 3.000 tỉ đồng, trong đó vốn ODA khoảng 1.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng nỗ lực thực hiện các dự án do địa phương quản lý đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và ổn định đời sống dân cư, trong đó dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững có thể xem là một điển hình.