Hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên biển thiệt hại nặng nề khi sứa nở hoa.
Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là hoạt động công nghiệp biển quan trọng nhất trên toàn thế giới, hàng năm cung cấp gần 178,5 triệu tấn thực phẩm. Việc sứa nở hoa mang nhiều tác động tiêu cực đối với hoạt động đánh bắt, tuy nhiên ngư dân biển hiếm khi báo cáo với chính quyền cảng về sự hiện diện của sứa trong sản phẩm đánh bắt của họ, chính vì thế chúng được loại bỏ và trả về biển cùng với các loài hải sản không mong muốn khác.
Trong vài thập kỷ gần đây, quần thể sứa mật độ cao đã được quan sát thấy ở nhiều khu vực ven biển trên thế giới. Sự nóng lên toàn cầu được coi là nguyên nhân gây ra sự nở rộ ở một số quần thể sứa. Nhiệt độ nước có thể điều chỉnh các hoạt động sinh lý của sứa, kiểm soát sự nảy chồi và tốc độ phát triển của các loài sứa. Hiện tượng phú dưỡng hệ sinh thái và đánh bắt quá mức (loại bỏ các loài săn mồi và đối thủ canh tranh) đã thúc đẩy sứa nở hoa ngày càng nhiều.
Sự nở hoa ồ ạt của sứa có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với nhiều hoạt động của con người trên biển. Ở những chỗ dày nhất có thể có nhiều sứa hơn nước. Sứa nở hoa làm gián đoạn ngành đánh bắt cá bằng cách xé rách lưới và gây hại cho cá. Những con sứa nhỏ hơn hoặc xúc tu của sứa có thể xâm nhập vào các lồng bè nuôi trồng thủy sản và làm cá chết ngạt. Sứa chích người khi bơi, không khuyến khích du lịch. Chúng làm tắc nghẽn các cửa hút nước làm mát tại các nhà máy điện, gây ra tình trạng cắt điện hoặc tắt máy.
Tác động của sứa đến khai thác thủy sản
Các loài sứa Aurelia, Chrysaora và P. noctiluca có thể hình thành các đợt bùng phát với hàng triệu cá thể để làm hỏng lưới đánh cá. Hơn nữa N. nomurai, Cyanea sp., R. nomadica và R. pulmo là những loài sứa có thân hình to và nặng. Khi xuất hiện hàng loạt, chúng có thể dễ dàng làm tắc nghẽn lưới và có thể làm giảm độ ổn định của tàu đánh cá khi kéo lưới, dẫn đến lật úp tàu đánh cá. Lưới kéo đáy là loại ngư cụ bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là lưới đặt. Các ngư cụ khác cũng bị sứa tác động như dây câu, bẫy và lưới bao quanh.
Sự nở hoa của sứa ảnh hưởng đến nghề cá không chỉ thông qua việc can thiệp vào các hoạt động đánh bắt mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến mạng lưới thức ăn ở biển và cuối cùng làm giảm sản lượng cá đánh bắt do cạnh tranh thức ăn hoặc ăn trứng và ấu trùng cá.
Các ngư dân trên toàn thế giới, cho biết rằng lưới bị tắc nghẽn và rách đã làm tăng thời gian phân loại và gây thương tích cho ngư dân trong quá trình phân loại và làm sạch lưới. Việc tắc nghẽn đã rút ngắn thời gian đánh bắt và làm tăng nguy cơ lật úp tàu kéo lưới. Một số ngư dân đã di chuyển tàu đến các khu vực xa hơn các cảng cập bến để tránh sứa nở hoa, làm tăng thời gian đi lại và chi phí nhiên liệu và trong một số trường hợp, họ tạm thời chuyển sang các ngư cụ đánh bắt khác như: lưới rê neo và lưới trôi.
Ấn tượng nhất trong số các vụ nở hoa của sứa là loài sứa khổng lồ Nemopilema nomurai ở Nhật Bản, chúng đã tàn phá ngành công nghiệp đánh bắt ở Nhật Bản bằng cách làm thủng lưới đánh cá, giết chết các loài cá giá trị kinh tế và lật úp tàu đánh cá, gây ra thiệt hại kinh tế lớn từ năm 2005 đến 2006 (khoảng 270 triệu đô la Mỹ trong một năm).
Tác động của sứa đến nuôi trồng thủy sản
Cá hồi là loài cá nuôi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng “sứa nở hoa”, tiếp theo là cá tráp đầu vàng, cá vượn và vẹm. Sứa bơi lội sinh sản hữu tính, sinh ra các ấu trùng dưới đáy đại dương để trở thành các polyp, từ đó nhiều con sứa khác “sinh sôi” .Giai đoạn polyp của sứa là thành phần chủ yếu bám vào: lồng, bè, phao nổi, cầu tàu, neo, phao, dây thừng do đó giảm lượng nước lưu thông trong lồng bè.
Tất cả các loài sứa đều có khả năng gây độc do có các tế bào cnidocytes, được tìm thấy chủ yếu trên các xúc tu của sứa. Bên trong mỗi cnidoblasts là các nematocysts. Mỗi nematocysts chứa một sợi lông dạng xoắn giống như một chiếc kim có chứa nọc độc. Khi một con mồi bị mắc kẹt trong những chiếc xúc tu của sứa thì áp suất bên trong nematocysts sẽ làm cho những chiếc kim xoắn này duỗi thẳng ra và giống như một chiếc lưỡi câu. Con mồi sẽ bị tiêm chất độc vào người khi bị mắc phải những chiếc “lưỡi câu” này. Xúc tu của sứa vẫn có thể tiêm chất độc ngay cả khi nó bị đứt khỏi cơ thể của sứa.
Tại Ireland, rối loạn mang đã trở thành một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất gây tử vong ở cá hồi nuôi ở biển, với mức thiệt hại trung bình 12% mỗi năm. Các tế bào cnidocytes của sứa khi tiêm chất độc thường dẫn đến phản ứng viêm tại chỗ, nhiễm độc tế bào và mô bệnh học. Việc phóng thích nọc độc kéo dài trong các mô cá có thể gây ra nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn và các phản ứng toàn thân như: suy hô hấp, thay đổi hành vi và tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiều vi khuẩn trong môi trường bao gồm cả những vi khuẩn gây bệnh như Tenacibaculum spp. và Moritella viscosa được tìm thấy trên sứa do đó chúng có thể vật trung gian truyền bệnh.
Hiện chúng ta có thể làm được rất ít điều để hạn chế sứa nở hoa, ngoại trừ việc chăm sóc các đại dương của chúng ta tốt hơn. Đánh bắt quá mức có thể cung cấp không gian sống lý tưởng cho quần thể sứa. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của sứa, có thể là một triệu chứng biểu hiện của hệ sinh thái biển đang gặp nạn, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của con người trên biển. Do đó, các hoạt động đánh bắt cần có trách nhiệm hơn tức là giảm đánh bắt quá mức, sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên của biển để dần dần kiểm soát “sự nở hoa” của sứa.