Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Tại sao Mỹ mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam?

Tại sao Mỹ mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam?

Trang chủ Tin Tức Tại sao Mỹ mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam?
Tại sao Mỹ mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam?
19/04/2023
63 Lượt xem

Chia sẻ với:

Tại sao Mỹ mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam?

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý III/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU và hội chợ Vietfish vào tháng 8 tại TP.Hồ Chí Minh.

Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2023, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Mỹ đã mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam vì giảm mạnh nhất trong top thị trường nhập khẩu, giảm 50%, chỉ đạt khoảng 290 triệu USD. Kinh tế Mỹ sa sút và lạm phát tăng cao khiến chi tiêu của người dân cho các sản phẩm thủy sản bị sụt giảm mạnh. Thị trường Mỹ tiêu thụ chủ yếu ở phân khúc hàng đông lạnh. Với phân khúc này Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh lớn về cả nguồn cung và giá bán với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia

Trong khi đó, Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, mặc dù xuất khẩu sang thị trường này giảm 11%, đạt trên 310 triệu USD trong quý I/2023. 

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong quý I đạt gần 255 triệu USD, giảm 22%. Nhờ việc chấm dứt chính sách zero Covid, mở cửa thị trường trở lại, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã hồi phục dần từ tháng 2. Cá tra chiếm tỷ trọng lớn nhất, 61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang Hàn Quốc tăng 24%. Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những thị trường tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường cung cấp nguyên liệu hải sản cho doanh nghiệp Việt Nam gia công, chế biến để tận dụng công suất chế biến và tạo việc làm ổn định cho người lao động. 

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm sẽ hồi phục chậm vì cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Xuất khẩu cá tra sẽ khả quan hơn trong bối cảnh lạm phát và kinh tế suy giảm ở nhiều thị trường và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau Covid. 

Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước khác cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. 

"Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý 3/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU và hội chợ Vietfish vào tháng 8 tại TP.HCM, sẽ thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam", VASEP dự báo.

Đầu tư cho phát triển giống thủy sản

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú – một đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam đưa ra một con số, ngành tôm Việt Nam mỗi năm tốn khoảng 10.000 tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm dùng kháng sinh.

Chi phí này được ông Quang tính toán dựa trên các chi phí kiểm soát của doanh nghiệp khi đưa tôm ra các thị trường nước ngoài trong điều kiện Việt Nam vẫn bị nhìn nhận chưa kiểm soát được dư lượng kháng sinh trong con tôm.

Về ngành hàng cá tra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, đơn vị hàng đầu trong xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng cho hay các doanh nghiệp cá tra cũng rất khó khăn khâu sản xuất giống.

Bà Tâm cho biết, ngành cá tra hiện nay có khoảng 200 cơ sở nuôi cá tra bố mẹ để cung cấp cho khoảng 4.000 hộ cá tra giống mỗi năm. Hiện nay việc nuôi cá tra giống chưa có được liên kết với doanh nghiệp nuôi cá thương phẩm.

 

Trước thực tế này, ông Lê Văn Quang cho rằng, cần đẩy mạnh cơ chế chính sách hợp tác công tư giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu. Cụ thể, ông Quang đề xuất việc hợp tác giữa doanh nghiệp và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 về các vấn đề cải thiện giống, gen di duyền tôm sú giống, tôm bố mẹ chân trắng để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu thời tiết, kháng bệnh thích nghi từng vùng miền để đưa tỷ lệ nuôi tôm thành công lên trên 80% vào năm 2035 ( tỷ lệ thành công hiện nay tầm 40%).

Ông Quang cho biết hiện giá tôm Việt Nam đang hơn 30% tôm Ấn Độ và gấp đôi giá tôm Ecuador, nếu hợp tác nghiên cứu thành công thì theo ông trong một thời gian ngắn sẽ giảm được giá thành tôm Việt Nam và sớm đuổi kịp các nước bạn.

Về lĩnh vực cá tra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm cũng cho biết các khâu trong thực hiện việc làm tốt giống cá tra như chọn lọc gen cá, tiêm vacine cho cá giống… cần đội ngũ có chuyên môn cao nên thực sự cần những doanh nghiệp nó năng lực tài chính vào cuộc và tạo thành động lực phát triển cho ngành.

Bà Tâm nhìn nhận các quy định, chính sách và chủ trương dành cho ngành nông nghiệp nói chung và đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao nói riêng đã khá đầy đủ. "Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa mạnh dạn vận dụng tối đa các chủ trương này khiến các doanh nghiệp làm cá tra giống vất vả hơn các doanh nghiệp làm cá tra thành phẩm hơn nhiều. Nhiều khi chưa cảm nhận được sự chào đón đầu tư trong lĩnh vực này"-bà Tâm chia sẻ.

Liên quan đến việc này bà Tâm cũng đưa ra sự mong muốn các địa phương cần có tầm nhìn kiên định và dài hạn trong quy hoạch. Bà Tâm cho biết: "Chúng tôi rất khó cạnh tranh với những áp lực như nguồn lực về đất đai dùng cho bất động sản hay du lịch khi phát triển nóng. Các dự án phát triển giống nếu không có cam kết lâu dài thì không thể mở rộng đầu tư". 

Tìm kiếm