Cá bớp (cá giò) với tên khoa học là Rachycentron canadum là một loài cá biển nuôi quan trọng trong nuôi trồng thủy sản, chủ yếu phân bố ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Bài viết này tổng hợp một số khía cạnh mà nhiều người có thể chưa biết về cá bớp.
Từ quá khứ đến hiện tại
Cá bớp xuất hiện từ năm 1766, nhưng các tài liệu về nuôi cá bớp đến 1970 mới được ghi nhận. Tuy nhiên phần lớn đều tập trung vào sự phân bố cá tự nhiên, quá trình sống, các tập tính của quần thể và mô tả môi trường sống của chúng, chứ chưa đề cập đến cá bớp nuôi. Đầu thế kỷ 21 đánh giá một bước ngoặt mới trong các nghiên cứu về cá bớp, với các khía cạnh khác như nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe cá, di truyền, nuôi cá giống, nuôi thương phẩm và tác động của việc nuôi cá bớp đến chất lượng nước và môi trường.
Từ đây, cá bớp đã được nuôi phổ biến trong hơn 3 thập kỷ qua ở nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn còn là một ngành khá mới khi so sánh với các loài sinh vật biển khác được nuôi thương phẩm. Cá bớp đang được nuôi rộng rãi ở các nước Châu Á. Khó khăn lớn cản trở việc tăng sản lượng nuôi là giống cá bớp có quy trình rất khắt khe nên không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong quá trình trưởng thành, sinh sản, ương nuôi ấu trùng, di truyền và công nghệ nuôi, nhưng sản lượng cá bớp nói chung trên toàn thế giới vẫn rất thấp.
Trong những năm gần đây, các nghiên cứu được công bố về cá bớp đã trở nên tập trung và hiệu quả hơn. Có thể là do sự gia tăng của các công ty tư nhân tiến hành nuôi trồng cá bớp trên quy mô lớn. Từ góc độ sức khỏe cá, sự ảnh hưởng của Streptococcus spp. và Vibrio spp. đã nhận được sự quan tâm đặc biệt vì sự gia tăng của chúng ở mô hình cá bớp nuôi lồng. Cũng có nhiều nỗ lực tiêm chủng được báo cáo nhưng các kết quả thì rất hạn chế. Bên cạnh đó, còn có tác động tiêu cực kép của những đợt nắng nóng và tảo có hại trong nuôi cá bớp lồng bè. Đây là những nguy cơ đang nổi lên của biến đổi khí hậu đối với ngành nuôi trồng thủy sản nhiệt đới.
Mặc dù loài này đã được nuôi thành công với các mô hình lồng và ao truyền thống ở Châu Á, nhưng các hệ thống này lại có những hạn chế rõ ràng về môi trường. Điều này, cùng với chi phí sản xuất cao, chế độ ăn giàu protein, một phần giải thích được tốc độ mở rộng sản xuất của cá bớp đang chậm lại. Chính vì tốc độ phát triển rất nhanh, loài cá này đòi hỏi các điều kiện môi trường và dinh dưỡng cực kỳ cao. Các yêu cầu về sinh lý, dinh dưỡng và môi trường của chúng vượt xa các yêu cầu của các loài cá biển nuôi thương mại khác và rất khó đáp ứng.
Cá bớp cần một môi trường nước có nồng độ oxy cao, dòng chảy mạnh và độ sâu lớn. Trang trại nuôi cá bớp lớn nhất đạt tại Panama, ở đây cung cấp các điều kiện thích hợp cho loài này phát triển, họ sử dụng lòng chìm ngoài khơi. Tuy nhiên, nuôi cá trong các điều kiện này đòi hỏi các công nghệ tiên tiến tự động hóa, phức tạp và tốn kém để thiết lập và vận hành. Do đó, cá bớp sản xuất ở nước ngoài phải bán với giá cao để bù lại chi phí sản xuất, làm cho nhu cầu của nó bị hạn chế trên thị trường. Những điều này đang kìm hãm việc mở rộng nuôi cá bớp sang quy mô công nghiệp.
Công nghệ nhân giống và nuôi cá bớp khép kín
Các nỗ lực nhân giống nhân tạo đã được tiến hành từ lâu. Người ta đánh bắt , vận chuyển và cho cá bớp bố mẹ thích nghi với môi trường nuôi nhốt. Chúng thành thục và sinh sản quanh năm với số lượng trứng lớn và chất lượng thụ tinh cao. Cá bớp sẽ sinh sản quanh năm nếu được nuôi dưỡng trong ao có kiểm soát tốt các chỉ tiêu chất lượng nước và thức ăn phù hợp. Trong khoảng thời gian này, cá bớp bố mẹ sẽ sản xuất trên 1,4 triệu trứng mỗi đợt sinh sản, với trung bình 2,5 lít trứng được thụ tinh và tỷ lệ thụ tinh trên 80%. Số lượng trứng chất lượng cao này đủ để hỗ trợ sự phát triển cho các hoạt động nuôi thương phẩm.
Tốc độ tăng trưởng của loài này là cực kỳ nhanh: Nuôi lồng (4–6 kg) và RAS (4 kg) chỉ trong 12 tháng kể từ khi lấy trứng. Tỷ lệ tăng trưởng, tỷ lệ sống và FCR của cá bớp dường như tỷ lệ nghịch với mật độ thả. Ngoài ra, đáng chú ý là người ta không tìm thấy tác động nào của cá bớp đối với sinh vật đáy và mực nước xung quanh trại nuôi.
Sinh lý của cá bớp
Tốc độ tăng trưởng nhanh của cá bớp trong giai đoạn cá con là nhờ vào mức tiêu thụ oxy và hiệu quả sử dụng thức ăn cao. Nhìn chung, cá bớp có khả năng chịu được nhiều độ mặn khác nhau, và khả năng chịu đựng như vậy có thể mang lại một số lợi thế cho việc nuôi chúng.
Phần lớn các nghiên cứu sinh lý liên quan đến độ mặn với cá bớp thường tập trung vào cá ở giai đoạn cá con, và không có nhiều thông tin về tác động của độ mặn trong các giai đoạn sống lớn hơn. Tuy nhiên, thực tế là cá bớp ngoài tự nhiên có khả năng chịu mặn ở phạm vi rộng và có thể kéo dài hơn trong toàn bộ vòng đời của chúng.
Hoạt động nuôi cá bớp ở Việt Nam vượt đại dịch thế nào?
Từ năm 2020, dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, nghề nuôi cá bớp lồng tại các tỉnh ven biển nước ta gặp rất nhiều khó khăn, bà con làm ăn thất bát, họ bỏ nghề vì không kham nổi. Những hộ nuôi tới mùa xuất bán nhưng đầu ra không có, đành phải nuôi cầm chừng, nhưng với hàng ngàn con cá bớp lớn nhỏ mỗi ngày phải bỏ ra chi phí bạc triệu đồng.
Thời gian đó mỗi hộ nuôi chỉ bán nhỏ giọt 1 lần vài chục, trăm ký cho vựa cá ở địa phương, chứ không thể xuất được cho xí nghiệp. Nếu trước đây, giá cá bớp ở mức từ 155.000 đồng/kg trở lên (loại 4-7 kg/con) thì thời gian qua đã giảm mạnh, chỉ còn 90.000-120.000 đồng/kg. Dù giá giảm nhưng vẫn phải bán. Nếu không bán thì không có vốn để mua thức ăn chăm sóc cho hàng ngàn con cá còn lại. Nghề nuôi cá bớp lúc đó trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Hiện nay, sau khi dịch bệnh “hạ nhiệt”, nghề nuôi cá bớp dần trở lại “trường đua”, bà con tất bật chuẩn bị cho vụ mới, chắc chắn sản lượng và lợi nhuận nuôi cá bớp sẽ tăng lên, tương xứng với tiềm năng của loài cá biển này.