Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Thận trọng để thành công

Thận trọng để thành công

Trang chủ Tin Tức Thận trọng để thành công
Thận trọng để thành công
12/12/2020
35 Lượt xem

Chia sẻ với:

Thận trọng để thành công

Mùa mưa ở ĐBSCL đã kết thúc, thời tiết chuyển sang hanh khô và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có xu hướng ngày càng cao. Với điều kiện thời tiết, nhiệt độ trên rất dễ làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi, tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát và gây hại tôm nuôi, nhất là những diện tích tôm nuôi dưới 45 ngày tuổi và những diện tích sẽ thả trong đầu tháng 1-2021.

Vụ tôm nước lợ năm 2020 ở ĐBSCL về cơ bản đã kết thúc trên diện rộng với tỷ lệ thành công khá cao. Theo báo cáo của chi cục thủy sản các tỉnh, hiện mỗi tỉnh chỉ còn khoảng một vài ngàn hécta, chủ yếu là số diện tích nuôi lót bạt 2 - 3 giai đoạn, trong khi số diện tích thả mới theo ghi nhận là không đáng kể, mà nguyên nhân chính là do điều kiện nuôi chưa mấy thuận lợi. Đơn cử như tỉnh Sóc Trăng, trong vụ tôm nước lợ năm 2020 đã thả nuôi gần 51.500ha, nhưng tỷ lệ thiệt hại chỉ chiếm 8,5%, tức gần 4.400ha. Kết quả thu hoạch trên diện tích gần 41.500ha cho sản lượng ước đạt trên 166.000 tấn. Hiện số diện tích còn tôm của Sóc Trăng khoảng 5.000ha và phần lớn sẽ được thu hoạch dứt điểm từ nay đến giữa tháng 1-2021. Như vậy, sản lượng tôm nước lợ năm 2020 của tỉnh Sóc Trăng sẽ vượt kế hoạch 10 - 15 ngàn tấn.

Đối với những diện tích thả nuôi đúng theo lịch thời vụ năm 2020 (kết thúc thả giống vào cuối tháng 9) đến thời điểm này có thể nhận định phần lớn đều không đáng lo vì tôm sắp đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, đối với những diện tích mới thả nuôi từ giữa tháng 10 đến nay và kể cả những diện tích sắp thả nuôi từ đầu năm 2021 theo khung lịch thời vụ mới sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là về thời tiết và dịch bệnh. Không nói đâu xa, do ảnh hưởng những đợt mưa cuối mùa khá lớn diễn ra trên diện rộng và kéo dài, môi trường tại một số vùng nuôi có sự biến động mạnh, gây sốc và làm giảm sức đề kháng tôm nuôi, tạo điều kiện cho một số dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, nhất là bệnh đốm trắng và bệnh còi – vi bào tử trùng (EHP). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người nuôi chùn tay chưa dám thả nuôi sớm do lo ngại rủi ro.

Kết quả quan trắc của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, từ đầu tháng 12, một số khu vực nuôi tôm trong tỉnh độ mặn đang có xu hướng tăng và một số chỉ số môi trường khác, như: pH, độ kiềm… cũng khá phù hợp cho việc lấy nước vào để xử lý nuôi tôm. Cụ thể như: tại điểm cầu Trà Niên độ mặn đo được lên đến 8,1%o, đầu vàm Trà Niên là 7,9‰, cống Sáu Quế 1 là 7,3‰, bến đò NT 30-4 là 7‰... Môi trường nuôi tương đối thuận lợi và giá tôm hiện tại là khá cao và dự báo sẽ còn kéo dài qua tận quý I-2021 nhưng phần lớn người nuôi đều rất thận trọng, kể cả những mô hình nuôi ao bạt 2 - 3 giai đoạn.

Sự thận trọng của người nuôi là có cơ sở vì hiện rải rác đã có bệnh đốm trắng xuất hiện và những dự báo cho thấy thời tiết có xu hướng chuyển mạnh sang Lanina nên chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm sẽ rất lớn, nếu thả nuôi sớm như năm rồi rủi ro sẽ rất cao. Vì vậy, nếu có thả nuôi sớm cũng chỉ thả nuôi một số ao mang tính thăm dò, khi thấy thuận lợi thì tiếp tục thả còn nếu không thì đợi khi nào điều kiện thuận lợi mới vào vụ nuôi chính. Để quản lý ao nuôi tốt hơn, theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đối với các ao, nhất là tôm thẻ đang cải tạo lại người nuôi nên thiết kế lại ao nuôi diện tích nhỏ để dễ quản lý (1.500 - 2.000m2) và thiết kế hố xiphông đáy ao để loại bỏ bùn thải, phân tôm, thức ăn dư thừa, xác tôm chết trong suốt quá trình nuôi tôm để làm sạch môi trường và đáy ao. Việc cải tạo ao cũng được khuyến cáo phải thật kỹ để loại bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh trong ao nuôi như: tôm tạp, cá tạp, cua còng, ốc đinh, hến. Phải có ao chứa nước, ao xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi để loại bỏ phù sa, chất hữu cơ, mầm bệnh mang vào khu vực nuôi. Phải có ao xử lý nước thải - bùn thải và tuyệt đối không xả thải nước thải - bùn thải trong quá trình cải tạo ao cũng như xiphông trực tiếp ra ngoài kênh rạch tự nhiên khi chưa được qua xử lý.

Ngoài ra, người nuôi cần bắt giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng và phải xét nghiệm sạch bệnh ít nhất 3 loại bệnh: đốm trắng (WSSD), hoại tử gan tụy cấp (AHPND) và bệnh còi - vi bào tử trùng (EHP). Kích cỡ con giống đối với tôm sú là Post 15 và tôm thẻ là Post 12 trở lên. Về quản lý môi trường ao nuôi, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng khuyến cáo người nuôi cần quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi như độ mặn, pH, oxy, kiềm, độ trong, khoáng chất (Ca, Mg, Kali…) luôn nằm trong ngưỡng thích hợp; áp dụng các biện pháp xiphông đáy ao, tăng cường vi sinh xử lý và làm sạch đáy ao… để giảm thiểu tối đa chất hữu cơ (phân tôm, bùn đáy, thức ăn dư thừa…) ra khỏi đáy ao, kiểm soát các vấn đề về tảo (tảo tàn, tảo nở hoa) và đặc biệt khuyến khích người nuôi nếu có điều kiện nên nuôi theo các mô hình tiên tiến bền vững như: nuôi 2 - 3 giai đoạn có hố xiphông đáy, kết hợp với cá rô phi xử lý nước…

Tìm kiếm