Sau 10 năm đi lao động hợp tác tại Nhật Bản, anh Lê Minh Hiếu (SN 1981) đã từ chối cơ hội được định cư với mức thu nhập bình quân 80 triệu đồng/tháng cùng nhiều ưu đãi khác để trở về lập nghiệp trên chính quê hương Vĩnh Long. Mang những kiến thức khoa học tiên tiến về áp dụng vào mô hình nuôi lươn không bùn và đã đem lại thu nhập cao cho gia đình, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.
Mô hình nuôi lươn không bùn
Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi lươn tại quê nhà, anh Lê Minh Hiếu chia sẻ: “Ở bên Nhật thu nhập rất ổn định, nhưng chỉ để làm giàu cho bản thân. Trong khi đó, tại quê nhà (ấp Quang Mỹ, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), nhiều lao động không có việc làm ổn định khiến tôi trăn trở. Những năm làm việc ở Nhật Bản, tôi thấy người ta phát triển mô hình nuôi lươn rất dễ dàng, cớ sao mình không thực hiện được. Vậy là tôi quyết định trở về quê hương bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn theo mô hình của Nhật Bản. Qua hơn 3 năm đầu tư xây dựng, đến nay mô hình nuôi lươn đã thành công như mong đợi”.
Anh Hiếu chia sẻ kinh nghiệm, nuôi lươn muốn đạt hiệu quả cao phải tập trung hoàn chỉnh 4 yếu tố quan trọng nhất: Một là phải có con giống khỏe mạnh, có xuất xứ rõ ràng. Hai là nguồn nước phải bảo đảm hợp vệ sinh, mỗi ngày phải thay nước ít nhất là 3 lần. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian, kinh phí và nhân công. Ba là phải bố trí thức ăn phù hợp với độ tăng trưởng của lươn. Hiện nay, chưa có thức ăn cá biệt cho lươn nên người nuôi phải sử dụng thức ăn cho cá để thay thế. Bốn là xây dựng bể nuôi phù hợp với từng loại: Lươn bố mẹ, lươn giống, lươn thịt, không nên sử dụng lẫn lộn các bể nuôi.
Tại Vĩnh Long, nhiều người đã nuôi lươn trong ao đất (còn gọi là nuôi lươn có bùn); nuôi trong bể xi măng lót bạt (nuôi lươn không bùn), mỗi mô hình đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo anh Hiếu, áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm nổi trội như: tiết kiệm tối đa diện tích nuôi, hạn chế thức ăn dư thừa, dễ phát hiện các loại bệnh, màu sắc lươn bắt mắt, dễ tiêu thụ trên thương trường.
Trở thành tỷ phú trên quê hương
Nói về mô hình nuôi lươn của anh Lê Minh Hiếu, ông Trần Văn Thái, ngụ tại ấp Quang Mỹ ngưỡng mộ: "Từ trước đến giờ, người dân chỉ biết nuôi cá tra, cá trê, thát lát, rô phi... chớ đâu có ai nuôi lươn bao giờ. Thấy chú Hiếu mua đất xây trang trại nuôi lươn trong nhà lẫn ngoài trời, ai cũng ngạc nhiên và nghĩ sẽ khó thành công. Vậy mà mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế tốt, ông chủ nuôi lươn đã trở thành tỷ phú vùng này".
Được biết, trên diện tích 11.000 mét vuông, anh Hiếu xây dựng trên 150 bồn nuôi (ngoài trời), bên ngoài là vách đất, bên trong lót bạt, bên trên thả lục bình và một số loại rau làm bóng mát cho lươn sinh sản. Mỗi bồn có chiều dài 3 mét, ngang 2 mét, cao 0,65 mét. Trong trang trại của mình, anh xây dựng 50 bồn xi măng có kích thước tương đương để làm nơi ấp trứng lươn thành lươn giống, xuất bán sau thời gian từ 40 đến 60 ngày. Mỗi con lươn giống sau 8 tháng nuôi bắt đầu sinh sản. Một số bồn được làm nơi nuôi lươn thịt khỏe mạnh để tạo nguồn lươn giống bố mẹ.
Hiện nay, cơ sở sản xuất lươn giống mang tên Minh Hiếu đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức lương từ 4,5 đến 10 triệu đồng-tùy thuộc công việc và tay nghề.
Trong 2 năm 2019-2020, anh Lê Minh Hiếu đã xuất bán trên 4 triệu con lươn giống, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Hiếu thu lãi từ 3,5 đến 4 tỷ đồng/năm. Thị trường tiêu thụ lớn nhất là các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, An Giang... và các tỉnh miền Trung.
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Hiếu đã được nhiều nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm theo. Trong thời gian tới, ông chủ Lê Minh Hiếu dự tính sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên gấp đôi so với hiện nay; phấn đấu giải quyết việc làm cho 60 lao động, mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc.