Sản phẩm mới từ nguồn phế, phụ phẩm
Theo Tiến sĩ Lê Hồ Khánh Hỷ, Hydroxyapatite (HAp) là thành phần chính của xương, răng người và động vật. HAp có tỷ lệ canxi/phốt pho giống như tỷ lệ canxi/phốt pho tự nhiên trong xương và răng nên dễ được cơ thể hấp thụ.
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần canxi của người Việt hiện nay chỉ đạt 500-540mg/người/ngày, bằng 50-60% nhu cầu canxi khuyến nghị. Điều này lý giải kết quả thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 5 nước có chiều cao trung bình của người dân thấp nhất thế giới, một trong những nguyên nhân chính là do không hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nguyên liệu để sản xuất sản phẩm canxi dùng trong y học hay thực phẩm bổ sung phải nhập khẩu, có giá thành cao.
Trong khi đó, Khánh Hòa có nguồn lợi thủy sản dồi dào với nhiều nhà máy chế biến thủy sản, hàng ngày thải ra một lượng lớn phụ, phế phẩm. Phế phẩm từ cá chẽm, cá ngừ có sản lượng lớn, có thể lên đến hàng chục ngàn tấn/năm. Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thực hiện đề tài thử nghiệm sản xuất bột nano canxi hydroxyapatite từ phế phẩm xương cá của các nhà máy chế biến thủy sản ở Khánh Hòa (có quy mô phòng thí nghiệm) nhằm góp phần nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản thông qua khai thác hiệu quả nguồn phế, phụ phẩm.
Hướng tới sản xuất công nghiệp
Nhóm nghiên cứu đã mất hơn 30 tháng (từ ngày 30-12-2019 đến 30-6-2022) để thực hiện các yêu cầu của đề tài. Kết quả, nhóm đã tạo được 1,2kg bột nano-HAp từ xương cá chẽm đáp ứng các tiêu chuẩn cơ sở. Kết quả thử nghiệm độc tính cho thấy nano-HAp an toàn, không có độc tính. Các chỉ tiêu phân tích của bột nano-HAp từ xương cá chẽm hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn quy định sử dụng trong thực phẩm chức năng và sản phẩm tương đương. Bên cạnh đó, nhóm đã đưa ra quy trình công nghệ sản xuất bột nano-HAp từ phế phẩm xương cá chẽm. Quy trình ổn định, có tính khả thi cao, có thể áp dụng để tạo ra sản phẩm nano canxi hydroxyapatite đáp ứng tiêu chuẩn về kích thước nano dưới 100nm, độ tinh sạch trên 95% và bảo đảm tính tương thích an toàn sinh học. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở nano canxi hydroxyapatite trích từ xương cá chẽm.
Theo hội đồng nghiệm thu, đề tài có tính ứng dụng cao, có tính khả thi về khả năng tiếp tục phát huy và hoàn thiện kết quả thương mại hóa công nghệ, sản phẩm của đề tài. Về ý nghĩa kinh tế - xã hội, đề tài tạo ra sản phẩm mang tính thương hiệu cho địa phương. Sản phẩm có giá thành cạnh tranh khi sử dụng nguyên liệu ban đầu là phế phẩm xương cá, góp phần nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản từ việc khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm. Đây còn là phương pháp mới, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở kích thước nano và đạt chất lượng tốt phục vụ cho nhu cầu nội địa, có thể hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra, kết quả đề tài tạo ra loại thực phẩm bổ sung từ biển có giá trị cao, an toàn cho người sử dụng, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Đề tài cần được tiếp tục đầu tư kinh phí để nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất canxi nano quy mô pilot, từ đó hướng tới quy mô sản xuất công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.