Ngoài ra, kích thước của cá bố mẹ, mật độ nuôi, tỷ lệ giới tính cũng là những yếu tố có vai trò quan trọng không kém. Đối với hầu hết các loài, người nuôi thường dựa vào các phương pháp nhân tạo để kích thích quá trình sinh sản có thể đạt được tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, sản lượng trứng vẫn còn hạn chế do chưa đảm bảo được điều kiện tối ưu trong quá trình sinh sản của mỗi loài.
Cá tai tượng (Osphronemus goramy) có nguồn gốc từ Đông Nam Á, là một trong số các mặt hàng cá nước ngọt chính có tầm quan trọng kinh tế cao. Mặc dù cá tai tượng có thể sinh sản tự phát trong điều kiện nuôi nhốt, tùy thuộc vào sự sẵn có của giá thể, bể đẻ thích hợp, nguồn cung cá bột thiếu hụt vẫn là một trong những mối quan tâm chính được xem như trở ngại chính cản trở sự phát triển nuôi trồng thủy sản của loài này. Những hướng dẫn về sản xuất giống cá tai tượng vẫn còn tương đối hạn chế, chỉ có một số ấn phẩm khoa học nhưng hầu hết chúng đều mang tính mô tả hơn là thực tiễn.
Mục tiêu chính của nghiên cứu này là thông qua thực nghiệm có thể đánh giá ảnh hưởng chính xác hơn ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau đến quá trình sản xuất giống cá tai tượng. Do đó, các đặc điểm sinh sản (tần suất đẻ trứng, số lượng và chất lượng của trứng) được so sánh bằng cách sử dụng các chiến lược quản lý ao nuôi khác nhau ( ao có và không có vách ngăn bằng lưới), thời gian nghỉ ngơi/phục hồi khác nhau, số lượng tổ (ổ) đẻ trứng hỗ trợ khác nhau, thay đổi kích thước của các ngăn bể đẻ và điều chỉnh tỷ lệ giới tính cá bố mẹ.
Kết quả cho thấy tỷ lệ chết của cá bố mẹ ở mức thấp trong tất cả các thử nghiệm được thực hiện và trung bình là 1,0 ± 0,3% mỗi tháng. Cùng một con đực có thể thụ tinh với trứng cách nhau 2-4 ngày và ở những con cái khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần sinh sản liên tiếp là 20 ngày. Tại thời điểm tốt nhất, số lượng trứng được tìm thấy trong tổ trung bình là 1410 ± 101 trứng/kg con cái so với khả năng sinh sản tiềm năng của loài nói chung đã được cải thiện khá tốt.
Dựa trên những kết quả đạt được qua đánh giá bằng thực nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị để tối ưu hóa sản lượng trứng cá tai tượng trong điều kiện nuôi trồng thủy sản bằng cách đảm bảo các điều kiện sau:
- Thứ nhất, duy trì cá bố mẹ ở tỷ lệ giới tính 1:1 trong các ao nuôi có vách ngăn bằng lưới diện tích 8m2 và hỗ trợ 1 tổ ( ổ ) đẻ trứng cho mỗi ngăn.
- Thứ hai, quá trình sinh sản sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi thời gian nghỉ ngơi của cá bố mẹ được thực hiện mỗi 6 tháng (từ 6 đến 7 tháng nên có một khoảng thời gian nghỉ ngơi/phục hồi 1 tháng).
- Ngoài ra, kết quả cũng phân tích được rằng số lượng trứng trong tổ đẻ có mối liên quan tỷ lệ thuận với lượng mưa và tỷ lệ nghịch với nhiệt độ và độ dài ngày.
Mặc dù các giai đoạn phát triển khác nhau của cá tai tượng đã được nuôi thành công trong điều kiện nuôi nhốt gần một thế kỷ, nhưng kiến thức về sự sinh sản của loài vẫn còn hạn chế. Các hoạt động nuôi thường dựa trên kiến thức kinh nghiệm tích lũy nhiều hơn, hiện nay tình trạng không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu về trứng lẫn cá giống của loài này được xem là hạn chế đối với sự phát triển của nuôi trồng thủy sản cần phải cải thiện. Nghiên cứu hiện tại đã làm sáng tỏ thêm về sinh học sinh sản của cá tai tượng cũng như cách kiểm soát đồng thời cải thiện sản lượng trứng trong điều kiện ao nuôi.
Trong tương lai, các công trình nghiên cứu cần được thực hiện thêm để bổ sung những thông tin hữu ích về hành vi sinh sản (chuẩn bị tổ, biểu hiện khi ghép đôi, hành vi đẻ trứng) của cá tai tượng để nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với việc quản lý cá bố mẹ và thiết kế các giá đỡ cho tổ đẻ trứng.
Tương tự, các điều kiện giúp cá bố mẹ phục hồi và thức ăn cũng như tỷ lệ dinh dưỡng cần thiết của chúng đối với sự phát sinh giao tử và chất lượng trứng chưa được tiến hành trong nghiên cứu này vẫn là những vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu chuyên sâu thêm.
References: New insights into giant gourami (Osphronemus goramy) reproductive biology and egg production control. Arifin, O. Z., Slembrouck, J., Subagja, J., Pouil, S., Yani, A., Asependi, A., Kristanto, A. H., & Legendre, M. (2020). Aquaculture, 519, 734743. https://doi.org/10.1016/j.aquaculture.2019.734743.