Theo hãng tin PTI và 1 báo Trung Quốc ngày 29-11, đề xuất trên nằm trong "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" (từ năm 2021 – 2025) dự kiến triển khai vào năm tới.
Phát biểu tại hội nghị kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc, ngày 26-11, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc Yan Zhiyong thông báo Bắc Kinh sẽ khai thác thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo (tên tiếng Tây Tạng của sông Brahmaputra).
Dự án nhằm mục đích "duy trì nguồn nước và an ninh quốc gia", có mục tiêu dài hạn đến năm 2035 do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khởi xướng. "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" được cơ quan chính sách chủ chốt của CPC thông qua hồi tháng trước. Chi tiết về kế hoạch dự kiến được công bố vào đầu năm 2021.
Đề xuất xây dựng đập thủy điện trên sông Brahmaputra làm dấy lên mối quan ngại ở Ấn Độ và Bangladesh, các quốc gia ven sông vì nó đóng vai trò là nguồn cung cấp nước quan trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc tìm cách hạ thấp mối quan ngại đó và tuyên bố họ sẽ lưu ý đến lợi ích của hai quốc gia này.
Chính phủ Ấn Độ nhiều lần chuyển tải quan điểm và mối quan tâm của mình tới nhà chức trách Trung Quốc, thúc giục họ đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ nguồn không bị tổn hại bởi bất kỳ hoạt động nào ở khu vực thượng nguồn.
Năm 2015, Trung Quốc vận hành nhà máy thủy điện Zam trị giá 1,5 tỉ USD được đánh giá là lớn nhất ở Tây Tạng.
Về con đập mới trên sông Brahmaputra, tờ Bloomberg trích dẫn 1 báo Trung Quốc cho biết những đồn đoán về việc Trung Quốc sẽ xây dựng một "siêu đập thủy điện" ở huyện Medog – nơi có hẻm núi Yarlung Zangbo - đã lan truyền nhiều năm qua. Con đập này thậm chí còn lớn hơn đập Tam Hiệp. Mặc dù vậy, các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ tính khả thi bởi chi phí vận chuyển vật liệu và nhân công tới khu vực này.
Theo báo cáo, việc khai thác tài nguyên thủy điện trên sông Brahmaputra có thể cung cấp 300 tỉ kWh điện không carbon mỗi năm cho Trung Quốc, chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu của cả nước hồi năm ngoái.