Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Vì sao giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản tăng cao?

Vì sao giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản tăng cao?

Trang chủ Tin Tức Vì sao giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản tăng cao?
Vì sao giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản tăng cao?
04/07/2021
45 Lượt xem

Chia sẻ với:

Vì sao giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản tăng cao?

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn dành cho nuôi trồng thủy sản tăng cao. Cùng với rào cản về logistics và hiện tượng mua vào nguyên liệu số lượng lớn bất thường của Trung Quốc khiến việc tiếp cận nguồn cung gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 121 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong đó, 58 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, 63 cơ sở trong nước với tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, cả nước hiện có 63 cơ sở (20 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, 43 cơ sở trong nước) sản xuất nguyên liệu cung cấp cho thị trường. Các loại nguyên liệu này chủ yếu là bột cá, cám gạo, tấm, dầu gạo, bột mỳ, hỗn hợp khoáng…

Từ giữa năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu làm thức ăn nuôi trồng thủy sản tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất không thể mua được nguyên liệu theo quý, theo năm như trước. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ có thể mua theo từng tháng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, giá nguyên liệu tăng bình quân khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Một số nguyên liệu tăng cao nhất có thể kể đến như: Bã nành, lecithin (phụ gia), dầu cá nước ngọt, bột thịt gà, sắn lát, cám gạo nguyên dầu… Điều này dẫn đến giá một số loại thức ăn thủy sản cũng tăng từ 1.000 - 1.700 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá nguyên liệu và thức ăn thủy sản tăng, theo Bộ NN&PTNT là do nguyên liệu sản xuất thức ăn như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu chủ yếu được nhập khẩu (chiếm 70 - 80%). Giá nguyên liệu tăng cao do dịch Covid-19 tác động đến logistic toàn cầu, khiến cước vận chuyển tăng mạnh.

Đáng chú ý, có hiện tượng Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu thức ăn nuôi trồng thủy sản với số lượng lớn dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu ở mức độ bất thường. Trong khi đó, nhiều loại nguyên liệu Việt Nam không chủ động được lại là thế mạnh của nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến việc giao thương bị đình trệ, nhất là việc thiếu container.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1,3 triệu héc-ta. Sản lượng nuôi trồng thủy sản phấn đấu đạt 4,75 triệu tấn (tăng 4,2% so với năm 2020). Riêng đối với Hà Nội, diện tích mặt nước hiện đang đưa vào nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 22.400ha.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đề ra nhóm các nhiệm vụ. Trọng tâm là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản, giúp cho người nuôi trồng ổn định sản xuất. Tránh lợi dụng để tăng giá bán thức ăn thủy sản bất hợp lý.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản để có nguồn cung ổn định với giá thành phù hợp. Chỉ đạo các cục, vụ, viện phối hợp nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp công nghệ về nguồn cung thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để sản xuất thức ăn thủy sản. 

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị các tỉnh, TP quan tâm đầu tư phát triển các mô hình liên kết chuỗi để giảm trung gian, giảm giá thành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, chăn nuôi nói chung. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực đồng hành, không tăng giá thức ăn để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay.

Tìm kiếm