Chia sẻ với:
Bến Tre nâng tầm giá trị tôm biển
Hiện toàn huyện Thạnh Phú (Bến Tre) có hơn 18.300ha nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh tôm sú, thẻ chân trắng, tôm rừng và nuôi xen trong ruộng lúa.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Thạnh Phú
Thời gian qua, huyện đang từng bước đầu tư, hướng dẫn nông dân chuyển dịch SX theo hướng VietGAP, sử dụng giống có chất lượng cao cũng như đẩy mạnh ứng dụng KHCN nhằm tạo ra lượng hàng hóa lớn, phục vụ cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Con tôm cũng là một trong 6 sản phẩm lợi thế, được huyện xác định là con mũi nhọn trong xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trương Thanh Hải cho biết, hiện có một số doanh nghiệp nuôi tôm biển thâm canh tập trung đang tổ chức, quản lý và thực hiện mô hình SXKD khép kín theo chuỗi giá trị sản phẩm ở các xã Mỹ An, An Điền, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải được đánh giá khá ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, thời gian qua có một thực tế là chất lượng con giống chưa cao, môi trường nuôi không kiểm soát được dịch bệnh dẫn đến lây lan, thiệt hại. Nhiều hộ nuôi đối mặt với bất lợi của thời tiết, khí hậu, giá cả thị trường, nhất là thiếu vốn để tái SX… Đặc biệt là việc liên kết SX, tiêu thụ theo hình thức tổ, nhóm hợp tác và liên kết chuỗi còn rất hạn chế, thương lái thu mua tôm trực tiếp từ hộ nuôi thông qua thương lượng, không thực hiện hợp đồng thu mua cũng như không có sự hỗ trợ giữa các thương lái đối với người nuôi.
Đây là thực tế mà huyện phải giải quyết tốt nếu muốn xây dựng phát triển chuỗi giá trị con tôm biển hiệu quả. Trong đó, phải tính đến việc tổ chức SX theo quy trình khép kín từ yếu tố đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra cuối cùng phải được kiểm soát chặt chẽ mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Với mục tiêu đó, năm 2017, Phòng đang tham mưu cho UBND huyện củng cố hoạt động các ban quản lý vùng nuôi, hình thành các tổ hợp tác, HTX kiểu mới trên địa bàn hai xã Mỹ An và An Điền; đồng thời, tập huấn SX theo quy trình VietGAP.
Hai năm 2018, 2019 sẽ xây dựng và hoàn thiện các liên kết ngang, liên kết dọc, xác định vai trò và lợi ích của từng tác nhân tham gia liên kết. Trong đó, vận động nhân dân liên kết thành lập HTX và các tổ dịch vụ của HTX như cung cấp giống, thức ăn thú y thủy sản; khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch…
Đến năm 2020, hoàn thiện chuỗi giá trị tôm biển sạch theo hướng phát triển ổn định, bền vững. Hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới xây dựng nhãn hiệu tôm sạch, quản lý, quảng bá hàng hóa hiệu quả, làm tiền đề cho việc hoàn thiện, nhân rộng và nâng cấp chuỗi tôm sạch trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025.
Đến năm 2020 huyện phấn đấu hoàn thiện chuỗi giá trị tôm biển sạch theo hướng phát triển ổn định, bền vững
Ông Trương Thanh Hải cho biết thêm, theo quy hoạch của huyện, ngoài hai xã Mỹ An và An Điền có gần 650ha nuôi tôm thâm canh trong tổng số hơn 3.000ha đất nuôi thủy sản, sẽ vận động thành lập HTX tôm sạch Thạnh Phú, vùng SX liên kết cũng sẽ được mở rộng đối với các xã An Quy, An Nhơn, Giao Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải với hơn 1.000ha tôm thâm canh và gần 2.700ha tôm lúa.
“Trước mắt, huyện sẽ thực hiện các giải pháp như nâng cao năng lực cho cộng đồng về phát triển chuỗi giá trị tôm biển và xu hướng tiêu dùng sạch, để người dân chủ động và tự giác liên kết, hợp tác, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Tổ chức lại SX, trong đó chú trọng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư SX tôm sạch; đồng thời, đánh giá toàn diện các tác nhân tham gia chuỗi giá trị. Tăng cường ứng dụng KHCN, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn liên kết SX và tiêu thụ với các Cty thủy sản trong ngoài tỉnh…”, ông Trương Thanh Hải nói.