Chia sẻ với:
Bình Định nuôi tôm công nghệ cao gia tăng giá trị xuất khẩu
Tỉnh Bình Định đang triển khai Dự án nuôi tôm công nghệ cao nhằm tăng giá trị xuất khẩu và hiệu quả kinh tế.
UBND tỉnh Bình Định quy hoạch 2 vùng nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ cao có diện tích lên tới 612ha; trong đó, vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao xã Cát Hải, Cát Thành (huyện Phù Cát) rộng 206 ha và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Mỹ Thành, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) rộng 406 ha. Hiện đã có các doanh nghiệp đầu tư vào hai vùng nuôi tôm này.
Công ty TNHH Việt Úc – Phù Mỹ đang triển khai Dự án Khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao trong nhà kính có diện tích hơn 116 ha tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Mỹ Thành. Dự kiến sẽ bắt đầu thả tôm nuôi trong tháng 3 này. Công suất tôm thương phẩm của dự án lên tới 8.400 tấn/năm. Đây sẽ là dự án hạt nhân của chương trình nuôi tôm công nghệ cao tại Bình Định và có thể xuất khẩu trực tiếp tôm thương phẩm.
Tại vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao xã Cát Hải, Cát Thành đã có 5 doanh nghiệp đăng ký đầu tư; trong đó, Công ty TNHH Thành Ly đã triển khai dự án 48 ha và đã thả tôm nuôi.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết, các vùng nuôi tôm công nghệ cao này đều được quy hoạch tại những vùng mới, ven biển, môi trường rất sạch, đảm bảo việc triển khai các dự án nuôi tôm công nghệ cao. Ngành nông nghiệp sẽ theo dõi sát sao các dự án được triển khai phải thực hiện đủ 14 tiêu chí về nuôi tôm công nghệ cao; không để đơn vị nào “nợ” tiêu chuẩn sẽ dẫn đến việc ảnh hưởng đến môi trường.
Những vùng quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao này của tỉnh Bình Định đều có diện tích rất lớn, liền vùng và môi trường sạch. Rút kinh nghiệm từ những vùng nuôi tôm truyền thống, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra chỉ sau vài năm. Tỉnh Bình Định tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, đồng thời buộc các nhà đầu tư phải thực hiện đúng cam kết về ứng dụng công nghệ cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết: "Tại các vùng quy hoạch nuôi tôm này, tỉnh có thể quy hoạch cho dịch vụ du lịch và thu tiền thuê đất. Nhưng tỉnh xác định tôm là loài thủy sản có giá trị xuất khẩu cao, quy hoạch những vùng này nuôi tôm công nghệ cao theo hướng lâu dài, bền vững. Do vậy, UBND tỉnh tạo điều kiện tối đa đối với các doanh nghiệp đầu tư, giao đất trong vòng một tuần sau khi cấp phép đầu tư".
“Diện tích được quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao vẫn còn nhiều, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này với điều kiện phải thực hiện đầy đủ tiêu chí quy định về nuôi tôm công nghệ cao rồi mới được thả tôm nuôi” – ông Châu nói rõ.
Bình Định là một trong những địa phương có chất lượng tôm nuôi cao nhất nước. Sản lượng tôm nuôi nước lợ hàng năm khoảng 7.100 tấn; trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng chiếm đến 94%; tôm sú chỉ 6%. Toàn tỉnh hiện có diện tích nuôi tôm là 1.833ha; quy hoạch đến năm 2020 là 1.923ha./.