Chia sẻ với:
Cá tra: Thách thức năm cũ sang năm mới
- Năm 2017, theo VASEP, cá tra chiếm 21,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đạt 1,788 tỷ USD, tăng 4,3% so năm 2016. Trong lúc thị trường Trung Quốc, Brazil, Mexico tăng mạnh thì hai thị trường chất lượng cao lại giảm mạnh (EU giảm 22,3%, Mỹ giảm 11,1%), để lại nhiều vấn đề cho năm 2018. Thị trường Mỹ rất quan trọng bởi có vai trò đảm bảo uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ còn gặp nhiều khó khăn Ảnh: LHV
Biến động năm cũ
Ở thị trường Mỹ, cá tra đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ Chương trình thanh tra cá da trơn chính thức thi hành từ ngày 1/8/2017 và đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13, khiến giá trị xuất khẩu giảm. Mức giảm mạnh nhất vào tháng 8, 9 và liên tục giảm cho đến cuối năm.
Chương trình thanh tra cá da trơn bắt đầu từ ngày 1/8/2017, FSIS (Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Mỹ) kiểm tra an toàn thực phẩm và bao bì tất cả các lô hàng cá tra vào Mỹ. Việc kiểm tra làm cho hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ phát sinh chi phí và mất nhiều thời gian. Từ ngày 1/9/2017, Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ thực thi hoàn toàn, kiểm tra cả các cơ sở chế biến và nuôi cá tra.
Trong lúc đó, đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 có kết quả cao gấp 3 lần đợt xem xét lần thứ 12, khiến số lượng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ càng giảm. Một số ít doanh nghiệp có được mức thuế suất thấp thì phải đối mặt với rào cản kỹ thuật là Chương trình thanh tra cá da trơn.
Trước tình hình ấy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể ứng phó; Bộ NN&PTNT có chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và sản phẩm cá bộ Siluriform xuất khẩu sang Mỹ. Tổng cục Thủy sản cũng có công văn gửi các địa phương việc đáp ứng những yêu cầu về hóa chất, kháng sinh.
Nhiều việc phải hoàn thiện
Hiện nay, các cơ quan thẩm quyền Việt Nam đang trả lời bổ sung theo yêu cầu của FSIS, trong tiến trình thực hiện Chương trình thanh tra cá da trơn. Sau đó, FSIS sẽ kiểm tra tại hiện trường, tới các nhà máy chế biến cá tra kiểm tra quy trình kiểm soát mà cơ quan Việt Nam đã cung cấp xem có được thực hiện đúng hay không. Việc kiểm tra tại hiện trường còn kiểm tra cả cung cách làm việc của thanh tra viên.
Theo kế hoạch, ngày 1/3/2018 là thời hạn cuối để phía Việt Nam đưa ra lịch kiểm tra tại hiện trường. Đây đồng thời cũng là bước thứ hai của quá trình xem xét tương đồng. Hoàn tất việc kiểm tra tại hiện trường, FSIS đưa ra bảng báo cáo về kết quả kiểm tra. Nếu suôn sẻ, FSIS sẽ soạn thảo một quy định cuối cùng mà lịch trình soạn thảo chưa rõ kéo dài bao lâu, vì nằm ngoài kế hoạch kiểm soát của FSIS. Khi soạn thảo xong, quy định được đưa lên tờ đăng kiểm liên bang để lấy ý kiến rộng rãi trong vòng 60 ngày.
Hoàn tất các việc trên, FSIS làm thủ tục cho tên quốc gia xuất hiện trên đăng kiểm liên bang, công nhận tương đương và quốc gia này được phép xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ. Trong quá trình xem xét tương đương, sản phẩm cá tra Việt Nam như một trường hợp cá biệt, vẫn được xuất khẩu vào Mỹ, tuy nhiên, như đã nêu trên là gặp nhiều khó khăn vì chi phí tốn kém và mất thời gian.
Rõ ràng, quá trình đáp ứng các yêu cầu của thị trường Mỹ, vấn đề có tính quyết định là nỗ lực trong nuôi và chế biến cá tra ở nước ta, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. Trong nuôi cá tra, chương trình VietGAP được chú trọng triển khai. Tổng cục Thủy sản cho biết, tiếp tục chỉ đạo triển khai các mô hình nuôi cá tra xuất khẩu áp dụng và chứng nhận VietGAP; tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường. Năm 2018, hoàn thiện xây dựng sổ tay hướng dẫn kiểm soát an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi cá tra xuất khẩu.