Với diện tích hơn 2ha mặt nước, ông Trần Văn Quang (57 tuổi, xóm La Đao, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) thả gần 20.000 con cá nước ngọt các loại, thu về hàng trăm triệu mỗi năm.
Đến xóm La Đao, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hỏi thăm về mô hình nuôi cá của gia đình ông Trần Văn Quang, không ai là không biết. Dù đã 57 tuổi, nhưng ông Quang vẫn làm đủ thứ việc kiếm về thu nhập lớn cho gia đình.
Ông Quang cho biết, ông nuôi cá đã nhiều năm nay nhưng chỉ với quy mô nhỏ. Đến năm 2015, ông bắt đầu mở rộng diện tích và nuôi cá theo hướng công nghiệp. Hiện nay với diện tích hơn 2ha mặt nước, ông đang thả khoảng 12.000 con cá rô phi đơn tính, 1.000 con cá trắm, 1.000 con cá chép... Bên cạnh nuôi cá thịt, ông Quang còn nuôi cả cá giống.
Thăm ao cá của gia đình, ông Quang vừa chia sẻ: "Nuôi cá lãi hơn những loại vật nuôi khác mà tỷ lệ rủi ro lại ít hơn, hơn nữa cũng không mất quá nhiều công chăm sóc. Mỗi ngày, tôi chỉ cần chăn 2 lần, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Trung bình mỗi tấn cá, tôi lãi khoảng 7 – 10 triệu đồng. Dự kiến với sản lượng khoảng 20 tấn cá và giá cả tốt như năm nay, sau khi trừ các loại chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 300 triệu đồng".
Theo ông Quang, điều quan trọng khi nuôi cá là phải đảm bảo nguồn nước sạch cho cá.
Theo ông Quang, điều quan trọng khi nuôi cá là phải đảm bảo nguồn nước sạch, nếu có nước ra vào thường xuyên thì rất tốt. Cá thường hay bị bệnh theo mùa, nhất là thời điểm giao mùa vào khoảng tháng 8 – 9 hằng năm, chủ yếu mắc các bệnh như xuất huyết và nhiễm khuẩn.
Khi bị nhiễm khuẩn, cá sẽ không ăn mà nổi lờ đờ trên mặt nước, có màu đen. Khi đó, người nuôi cần phải xử lý để đảm bảo nguồn nước sạch cho cá và sử dụng chế phẩm sinh học để khử khuẩn nước.
Cũng theo ông Quang, muốn thành công, người nuôi cần nắm một số kỹ thuật nuôi cá trong ao. Theo đó, trước khi thả cá, người nuôi phải thực hiện việc khử trùng ao bằng vôi bột và phun các chế phẩm sinh học, sau đó mới tiến hành thả cá xuống ao. Thời điểm được lựa chọn để thả cá đẹp nhất vào khoảng tháng 6 – 7 hoặc tháng Giêng hằng năm vì lúc này thời tiết mát mẻ nên cá ít bệnh, tỷ lệ sống của cá sẽ cao hơn.
Với mật độ thả cá dày, khoảng 3 – 4 con/m2, cá thường bị thiếu oxy, do đó bắt buộc phải có máy tạo khí để đảm bảo nguồn oxy cho cá. Ngoài ra, độ sâu của ao cá chỉ nên từ 1,5-2m, kè ao phải được xây dựng kiên cố.
Thức ăn của cá chủ yếu là cám công nghiệp kết hợp với cỏ. Mỗi ngày, gia đình ông chăn hết khoảng 1,5 tạ cám. Ngoài ra, ông Quang còn nuôi bèo trong ao để chăn cá con.
Sau khoảng 6 tháng, cá rô phi đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, cá trắm đạt trọng từ 2,5kg/con trở lên là có thể xuất bán.
"Hiện nay, gia đình tôi đang mua cá giống chủ yếu từ các trại cá ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương… nói chung cứ giống ở đâu tốt thì mua. Có một kinh nghiệm nữa là trước khi bán cá, người nuôi nên cho cá nghỉ ăn từ 3 ngày đến khoảng 1 tuần để cá thật sự sạch," ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho biết, nuôi cá không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần đảm bảo môi trường và phục vụ nguồn nước tưới tiêu cho bà con sản xuất. Hiện tại, ông đang hoàn tất thủ tục hồ sơ để thành lập HTX, tạo công ăn việc làm cho các hộ gia đình để nâng cao thu nhập.