Chia sẻ với:
Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt hơn 1tỷ USD
Tiếp nối thành công của việc vượt mốc XK 8 tỷ USD trong năm 2017, năm nay, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu XK từ 8,5 tỷ USD trở lên. Điều này có thể trở thành hiện thực khi XK những tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng tốt và đạt giá trị cao.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, XK thủy sản đạt giá trị 669,689 tỷ USD, tăng tới 38,2% so với cùng kỳ 2017. Sang tháng 2, do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, XK thủy sản chỉ đạt 405 triệu USD, giảm tới 39,5% so với tháng 1.
Tuy nhiên, cộng cả 2 tháng lại, giá trị XK thủy sản đã đạt 1,072 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nếu so với 2 tháng đầu năm trong mấy năm trở lại đây. Cụ thể: trong 2 tháng đầu năm 2017, giá trị XK thủy sản chỉ tăng 3,9% so với 2 tháng đầu năm 2016; trong 2 tháng đầu năm 2016, giá trị XK thủy sản tăng 4,2% so cùng kỳ 2015; 2 tháng đầu năm 2015 giảm tới 16,5% so cùng kỳ 2014.
Như vậy, kể từ năm 2014, đến nay, XK thủy sản của 2 tháng đầu năm mới lại đạt giá trị hơn 1 tỷ USD. Mức tăng trưởng 18,4% trong 2 tháng đầu năm nay cũng cao hơn so với tăng trưởng XK thủy sản trong năm 2017 là 18%.
Trong những tháng đầu của năm, hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực đều tăng trưởng tốt về giá trị XK. Trong tháng 1, cá biển là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất khi đạt 106 triệu USD, tăng 24%. Cá ngừ đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng khi đạt gần 41 triệu USD, tăng 21%. Tiếp đó là cá tra tăng 19% (đạt 142 triệu USD), tôm tăng 7% (213 triệu USD), cua ghẹ và giáp xác khác tăng gần 7%, mực và bạch tuộc tăng 5%. Chỉ có nhuyễn thể 2 mảnh vỏ là giảm giá trị XK so cùng kỳ 2017.
Về thị trường, hầu hết các thị trường chính của thủy sản Việt Nam đều tăng trưởng trong tháng 1. Có những thị trường lớn đạt mức tăng trưởng rất mạnh như Úc tăng 104,47%; Trung Quốc tăng 82,71%; Thái Lan tăng 65,84%; Đức tăng 51,59%; Hà Lan tăng 46,2%… Hai thị trường đơn lẻ lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Nhật Bản và Mỹ cũng có mức tăng trưởng khá tốt: Mỹ tăng 17,91%; Nhật Bản tăng 23,52%. Sự tăng trưởng tốt của các mặt hàng thủy sản chủ lực và của các thị trường chính ngay từ đầu năm là cơ sở để hy vọng rằng năm nay, XK thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và đạt mục tiêu đề ra.
Do XK thủy sản đang tiếp tục thuận lợi nên giá nhiều loại thủy sản đang ở mức cao. Theo Bộ Công thương, trong tháng 2, giá cá tra ở ĐBSCL đã có lúc lên tới 32.000 đ/kg. Trong tuần đầu tiên của tháng 3, giá cá tra dao động từ 27.000-29.000 đ/kg, có nơi 32.000 đ/kg. Sau đợt nghỉ Tết, các nhà máy chế biến cá tra đều đã đẩy mạnh thu mua trở lại để đáp ứng cho các đơn hàng XK. Tuy nhiên, do nguyên liệu khan hiếm nên nhiều nhà máy đang gặp khó khăn trong việc thu mua.
Ngỡ ngàng với thuế CBPG tôm Việt Nam Theo VASEP, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12), giai đoạn từ 1/2/2016-31//1/2017. Theo đó, mức thuế cho Cty FIMEX (bị đơn bắt buộc là 25,39%; mức thuế cho các công ty khác là 25,39%). Do FIMEX là bị đơn bắt buộc duy nhất trong POR12 nên mức thuế CBPG mà DOC tính cho FIMEX cũng là mức thuế tính cho các công ty còn lại của Việt Nam. Do đó, công bố nói trên của DOC đã khiến cho các DN ngành tôm Việt Nam phải ngỡ ngàng, lo ngại. Bởi trong suốt 13 năm qua, kể từ khi DOC bắt đầu áp thuế CBPG với tôm Việt Nam, chưa có DN nào bị tính thuế CBPG theo tỷ lệ phần trăm cao hơn 2 chữ số. Riêng với FIMEX, công ty này đã từng làm bị đơn trong POR9 và được DOC tính thuế CBPG là 0%. Vì vậy, VASEP và các DN tôm Việt Nam tin rằng đã có sự nhầm lẫn nào đó trong kết quả này. Sau khi xem xét kỹ các chi tiết, FIMEX phát hiện ra rằng đã có sự nhầm lẫn của DOC khi áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ khiến cho kết quả sơ bộ bị sai lệch đáng kể. Nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của FIMEX sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố. VASEP cho rằng, mặc dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực và chưa được áp dụng cũng như có thể thay đổi trong kết quả cuối cùng, nhưng kết quả sơ bộ này đã tác động không ít đến tâm lý của các nhà NK tại Mỹ và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động XK tôm sang Mỹ của các DN Việt Nam; tác động đến các giao dịch mua bán giữa hai bên, đặc biệt là trong thời gian chờ đợi DOC công bố kết quả cuối cùng. Chình vì vậy, VASEP đã yêu cầu DOC nhanh chóng xem xét lại kết quả sơ bộ nói trên và có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời và công bằng cho FIMEX cũng như các DN XK tôm của Việt Nam. |