Cá Giống Trường Phát Cá Giống Trường Phát
Hiện trạng và xu hướng thị trường của ngành thủy sản

Hiện trạng và xu hướng thị trường của ngành thủy sản

Trang chủ Tin Tức Hiện trạng và xu hướng thị trường của ngành thủy sản
Hiện trạng và xu hướng thị trường của ngành thủy sản
14/11/2023
117 Lượt xem

Chia sẻ với:

Hiện trạng và xu hướng thị trường của ngành thủy sản

Hiện trạng và xu hướng thị trường của ngành thủy sản

 

Vài chục năm nay, ngành thủy sản nước ta phát triển mạnh, xuất khẩu ra toàn cầu nên cũng chịu nhiều biến động của thị trường. Chuyên gia Nguyễn Văn Giáp và Nguyễn Mai Khang (ở AgroMonitor/Viettraders) vừa có bài phân tích khá toàn diện chuyển động của thủy sản nước ta gắn với xu hướng thị trường.

Khai thác giảm, nuôi trồng tăng

Hai thập kỷ qua, số lượng tàu đánh cá Việt Nam duy trì trên 100.000 chiếc, trong đó khoảng 30% đánh bắt xa bờ. Thẻ vàng EU (IUU) yêu cầu ngành khai thác hải sản Việt Nam quản lý được công suất, ngư trường, sản lượng nên các địa phương thực hiện chủ trương giảm tàu khai thác.

Ví dụ Bến Tre dự định giảm 10% tàu xa khơi, 50% tàu gần bờ đến năm 2025. Giá nhiên liệu tăng, chi phí hậu cần tăng và các quy định lao động nghề cá chặt chẽ hơn khiến chi phí lao động nghề cá tăng nên sản lượng khai thác sẽ còn giảm nhiều. 

Biến động thủy sản nuôi trồng và khai thác Biến động thủy sản nuôi trồng và khai thác trong tổng sản lượng thủy sản từ năm 2000 đến nay. Ảnh: Tép Bạc

 

Tỷ trọng thủy sản khai thác đã giảm xuống 43-45% và nuôi trồng tăng lên 55-57%,. Trong đó, tôm nước lợ và cá tra là 2 mặt hàng chủ lực chiếm sản lượng lớn nhất trong nuôi trồng. Các đối tượng thủy sản nuôi phổ biến khác có cá nước ngọt là lóc, rô phi, điêu hồng, ếch và nuôi biển là cá chẽm, chim, mú...

Về tôm nước lợ, diện tích và sản lượng tôm sú giảm, thẻ chân trắng tăng. Nuôi thâm canh và siêu thâm canh sử dụng ao bạt HDPE, ứng dụng công nghệ cho ăn, quản lý môi trường nước,... làm tăng năng suất và tỷ lệ thành công nuôi tôm thẻ dẫn tới quy mô trang trại tăng lên (đòi hỏi đầu tư, diện tích đất, vốn lớn hơn...).

Các loại thủy sảnCác loại thủy sản chính với tỷ lệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ảnh: Tép Bạc

 

Về cá tra, số hộ nuôi quy mô nhỏ có xu hướng giảm, do đầu tư lớn, tỷ suất sinh lời giảm, rủi ro về giá đầu vào và giá bán ra. Xu hướng tăng hình thức nuôi gia công, liên kết giữa hộ nuôi và công ty. 

Thị trường tiêu thụ

Mặt hàng chủ lực tôm thẻ và cá tra chiếm phần lớn tỷ trọng xuất khẩu. Một số cá nước ngọt như điêu hồng, rô phi đang được đầu tư phát triển xuất khẩu fillet. Hiện nay, tỷ lệ tiêu thụ nội địa có xu hướng tăng nhanh hơn xuất khẩu. Các loại cá lóc, ếch chủ yếu tiêu thụ nội địa và có xuất sang Campuchia. Cá nuôi biển được chú trọng gần đây, trong đó nuôi cá chẽm tăng, một số ao tôm (ao đất) không hiệu quả đã chuyển sang nuôi cá chẽm. 

Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giữ được sự tăng trưởng tương đối tích cực qua các năm. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản có sự hồi phục đáng kể khi nhu cầu thủy sản thế giới tăng.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản bắt đầu chậm lại từ tháng 12/2022, các đơn hàng xuất khẩu thủy sản chậm ký mới hoặc bị hủy và xu hướng này kéo dài đến hiện nay. Kỳ vọng, vài tháng cuối năm 2023 thị trường chuyển biến tốt hơn và nguồn nguyên liệu ổn định, cả năm sẽ thu về khoảng 9 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu 2021
Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu các loại thủy sản năm 2021

Kim ngạch xuất khẩu 2022
Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu các loại thủy sản năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023
Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu các loại thủy sản 9 tháng đầu năm 2023

Thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam. Một số thị trường khu vực Trung Đông, ASEAN...có sự bứt phá trong tốc độ tăng trưởng.

Cung cầu, tồn kho và triển vọng

Năm 2018 cá tra đạt sản lượng 1,36 triệu tấn và xuất khẩu 2,26 tỷ USD kéo diện tích và sản lượng thả vụ mới cuối năm tăng để năm 2019 sản lượng đạt đỉnh 1,72 triệu tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu năm 2019 lại giảm vì một số thị trường như Mỹ và Châu Âu bị bão hòa, chỉ còn tăng tại thị trường Trung Quốc. Bình quân giai đoạn 2018-2022 sản lượng hàng năm 1,4 triệu tấn, tăng 16,7% so với bình quân 10 năm trước (2008-2017). Trong 9 tháng đầu 2023 diện tích và sản lượng cá tra tiếp tục đà suy giảm do quy định đánh số vùng nuôi và thị trường xuất khẩu khó khăn, sản lượng chỉ đạt 943 nghìn tấn.

Xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt 2,26 tỷ USD nhưng năm 2019 giảm và giảm sâu về mức 1,5-1,6 tỷ USD ở các năm 2020-2021 vì ảnh hưởng Covid-19. Nửa đầu năm 2022, các nhà nhập khẩu tại hầu hết thị trường lớn gồm Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc lo đứt gãy chuỗi cung ứng nên đã nhập số lượng lớn khiến cả năm đạt mức kỷ lục 2,45 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ không tăng tương ứng đã dẫn đến giảm mạnh đơn hàng từ nửa cuối năm 2022 kéo dài tới nay. Trong 9 tháng 2023 chỉ xuất khẩu được 580 nghìn tấn, với 1,36 tỷ USD, giảm 15% về lượng và 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Sản lượng tôm nước lợ giai đoạn 2018-2022: tôm thẻ tăng, tôm sú giảm; bình quân sản lượng tôm thẻ khoảng 400 nghìn tấn/năm; tôm sú 200 nghìn tấn/năm. Trong 9 tháng 2023, sản lượng tôm thẻ ước 332 nghìn tấn, tôm sú ước 134 nghìn tấn. Trong những tháng cuối năm 2023, nguồn cung tôm thẻ có chiều hướng giảm do giá tôm giảm trong vụ thu hoạch trước đó (từ tháng 5-8), khiến xu hướng giảm thả vụ mới. Còn nguồn cung tôm sú cuối năm 2023 dự kiến cải thiện hơn khi một bộ phận nuôi nhỏ đã chuyển từ nuôi tôm thẻ sang nuôi tôm sú.

Xuất khẩu tôm nước lợ giai đoạn 2018-2022: sản lượng và kim ngạch giữ được mức tăng trưởng khá ổn định. Năm 2022, xuất khẩu tôm thuận lợi khi các thị trường lớn như Đông Á, EU...có sự hồi phục đáng kể. Xuất khẩu sang Mỹ giảm bởi sự cạnh tranh về chi phí logistic của các nước khác. Trong 9 tháng 2023 xuất khẩu 269 nghìn tấn, giảm 15% về lượng nhưng trị giá chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Nước ta có nhập khẩu tôm nước lợ, trên 80% lượng nhập khẩu tôm thẻ để chế biến xuất khẩu. Do đó, giai đoạn 2018-2022 xuất khẩu tôm tăng kéo theo nhập khẩu tăng, ngược lại từ nửa cuối năm 2022 đến nay xuất khẩu giảm thì lượng nhập khẩu cũng liên tục đi ngang ở mức thấp so với 2 năm trước. Trong 8 tháng 2023 nhập khẩu tôm 46,7 nghìn tấn, trị giá 333,6 triệu USD, giảm 13% về lượng và 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Kết luận

Sản lượng khai thác tiếp tục giảm do chi phí khai thác tăng, nguồn lợi giảm, quy định chống IUU siết chặt quản lý đội tàu, ngư trường, sản lượng. Còn sản lượng nuôi phục hồi và tiếp tục tăng trong cơ cấu tổng sản lượng thủy sản năm nay và những năm sau.

Sản lượng nuôi vẫn tập trung chủ yếu là tôm nước lợ và cá tra, gần đây nuôi đa dạng hơn với nhóm cá vảy (lóc, điêu hồng, rô phi, …) và cá biển (chẽm, chim, mú,...). Khu vực nuôi tăng cường áp dụng công nghệ để tăng tính cạnh tranh.

Xuất khẩu vẫn là kênh tiêu thụ chính của thủy sản Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu như Trung Đông, ASEAN có xu hướng gia tăng bên cạnh các thị trường truyền thống Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các sản phẩm giá trị gia tăng tỷ trọng chưa cao nhưng có hướng tăng nhằm phục vụ thị trường phi truyền thống và nội địa.

Thị trường xuất khẩu lớn quan tâm đến cam kết cắt giảm CO2, và quyền của người lao động: điều kiện làm việc và mức lương đủ sống cho lao động ngành thủy sản, do đó ngành thủy sản nước ta phải đáp ứng để phát triển. 

Tìm kiếm