Chia sẻ với:
Hướng đến sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường
Xuất khẩu thủy sản là một thế mạnh của ĐBSCL. Tuy nhiên, mặt hàng này luôn vướng rào cản từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng kháng sinh quá mức cho phép.
Sử dụng thảo dược thay thế kháng sinh, hóa chất được xem là hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL. Ảnh: MỸ THANH
Sử dụng thảo dược để thay thế kháng sinh, tăng cường hệ miễn dịch cho vật nuôi và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm thủy sản… đang là hướng đi mới cho ngành thủy sản ĐBSCL. Đây cũng là kết quả nghiên cứu chính từ Dự án “Phát triển các hoạt chất sinh học tự nhiên từ thực vật cho nghề nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường ở ĐBSCL, Việt Nam” (Dự án AquaBioActive).
Dự án AquaBioActive được triển khai từ tháng 6-2015, dưới sự phối hợp của Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Namur, Trường Đại học Liège và Trường Đại học Louvain (Bỉ). Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: Mục tiêu của Dự án nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững ở ĐBSCL thông qua cải thiện môi trường nuôi sạch hơn, bảo vệ sức khỏe người nuôi cá và người tiêu dùng (giảm tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng). Đây cũng là hướng đi mới giúp sản phẩm thủy sản ĐBSCL vượt qua các rào cản để tiếp cận thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn.
Sau hơn 2,5 năm, các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện 3 nghiên cứu quan trọng. Đó là: Nghiên cứu một số loại cao chiết của các thảo dược ở vùng ĐBSCL ứng dụng cho thủy sản; Đánh giá hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn In vitro của cao chiết thảo dược-khả năng ứng dụng của cao chiết trong bảo quản lạnh cá tra phile; Ảnh hưởng của chiết xuất từ thực vật lên hệ miễn dịch cá tra-trên tế bào và trên cơ thể cá.
Thạc sĩ Lê Thị Bạch, Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát 20 loại cao chiết từ thảo dược (diếp cá, diệp hạ châu, cỏ sữa, tía tô, trầu không, tỏi, gừng, rau má, mắc cỡ…) có thể ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản. Dịch chiết từ các loại thảo dược này có khả năng kháng oxy hóa, kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch cho các loại thủy sản (cá lóc, cá da trơn)”. Các nghiên cứu cũng đưa ra kết luận nhóm cao chiết có hoạt tính chống oxy hóa cao gồm: diệp hạ châu, trầu không, ổi, cỏ sữa và mắc cỡ. Riêng loại cao chiết từ diệp hạ châu còn có hoạt tính kháng khuẩn rất cao. Đây là những đặc tính cần có để ứng dụng bảo quản cá tra phile trong điều kiện lạnh (thời gian bảo quản khoảng 2 tuần).
Theo Tiến sĩ Bùi Thị Bích Hằng, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, diện tích và sản lượng nuôi cá tra tại ĐBSCL có xu hướng tăng trong những năm qua. Sự tăng trưởng này kéo theo dịch bệnh bùng phát, đòi hỏi người nuôi phải sử dụng kháng sinh để khống chế dịch bệnh hoặc vắc-xin để phòng bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh tràn lan đang tạo nên chủng vi khuẩn kháng kháng sinh; ô nhiễm môi trường; tồn dư kháng sinh trong thịt cá ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Trong khi đó, phòng bệnh từ việc tiêm phòng vắc-xin lại khá tốn kém, chỉ đặc hiệu cho từng mầm bệnh và khó ứng dụng rộng rãi trong ao cá. “Từ thực tế này, xu hướng chung hiện nay là sử dụng chiết xuất từ thực vật trong phòng và trị bệnh cá tra. Các loại cao chiết từ các loại thảo dược từ tỏi, sầu đâu, gừng, cỏ sữa, diệp hạ châu có hoạt tính miễn dịch tốt nhất nên có thể dùng để phối trộn vào thức ăn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho các loài thủy sản”- Tiến sĩ Bùi Thị Bích Hằng thông tin.
Tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển các hoạt chất sinh học tự nhiên từ thực vật cho nghề nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường ở ĐBSCL, Việt Nam” vừa được Trường Đại học Cần Thơ tổ chức, nhiều đại biểu đánh giá cao tính mới mẻ của các nghiên cứu trong ứng dụng nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL. Tuy nhiên, theo ông Trần Đông Phương An, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, các loại thảo dược nhóm nghiên cứu đề xuất có mùi vị rất quen thuộc với người Việt Nam nhưng lại khá lạ lẫm đối với người tiêu dùng nước ngoài. Do đó, Dự án nên đặc biệt quan tâm đến việc xử lý mùi khi tẩm ướp để bảo quản cá tra phile và cách thức công bố hàm lượng sử dụng trên bao bì sản phẩm khi xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Quản lý vùng nuôi Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, tỉnh Đồng Tháp lưu ý đến vấn đề nguồn cung ứng nguyên liệu khi triển khai thực hiện trên quy mô lớn. Đồng thời, đề xuất hướng nghiên cứu dùng các loại cao chiết trong quá trình xử lý nước ao nuôi (ngâm, phun xịt…) để tăng cường tỷ lệ sống cho cá giống thay vì phối trộn vào thức ăn... Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Nếu xét về chi phí thì chưa hẵn sử dụng cao chiết từ các loại thảo dược thấp hơn sử dụng kháng sinh, hóa chất. Tuy nhiên, lợi thế của sử dụng cao chiết từ thực vật là hướng đến phòng bệnh hơn trị bệnh. Thông thường, khi dịch bệnh bùng phát chúng ta mới sử dụng kháng sinh, lúc đó sản lượng thủy sản đã thất thoát đáng kể. Riêng việc sử dụng cao chiết từ thảo dược sẽ tập trung vào nâng cao sức đề kháng, từ đó nâng cao tỷ lệ sống của các loại thủy sản. Đặc biệt, sử dụng thảo dược trong nuôi trồng thủy sản tạo ra được sản phẩm an toàn, phù hợp với xu thế tiêu dùng của khách hàng trong và ngoài nước”.